Trung Quốc: Nợ chồng chất để đầu tư chứng khoán và bất động sản, người dân vẫn tự tin đi vay nhiều hơn vì cho rằng nền kinh tế sẽ nở rộ
Nợ hộ gia đình ngày càng phình to vì ước mơ làm giàu
Kể từ tháng 5, Jane Zeng đã mất ngủ nhiều đêm sau khi chồng thông báo về việc gia đình chị nợ nần chồng chất như thế nào. Chồng chị đã liên tục vay tín dụng trong vài năm qua, bao gồm một khoản vay để mua căn hộ 3 phòng ngủ rộng 70m2 và 2 căn hộ ở Thâm Quyến. Ngoài ra còn có một khoản thế chấp các bất động sản để đầu tư nơi khác.
Dù tổng giá trị bất động sản của gia đình Zeng đã vượt qua mức 18 triệu tệ, nhưng khoản tiền tiết kiệm của họ chỉ còn 200.000 tệ (31.000 USD). Họ cần 60.000 tệ/tháng để chi trả khoản vay ngân hàng gần 10 triệu tệ.
Zeng – bà nội trợ 40 tuổi, cho biết: “Vì nợ nên chất lượng cuộc sống của gia đình tôi sụt giảm rất nhiều. Ngoại trừ học phí tại trường quốc tế của các con, tôi đang nỗ lực hết sức để giảm chi phí sinh hoạt xuống khoảng 5.000 tệ/tháng.”
Chị nói thêm: “Các bất động sản chúng tôi sở hữu đang tăng giá. Nhưng tôi cảm thấy mình đang đi giữa hư không và mỗi ngày đều lo lắng rằng chúng tôi không đủ tiền để trả nợ thế chấp vào tháng tới.”
Những khó khăn của gia đình chị Zeng là dấu hiệu cho thấy mức nợ hộ gia đình ngày càng tăng tại Trung Quốc. Tình trạng này có nguy cơ làm suy yếu đà hồi phục của chi tiêu tiêu dùng – yếu tố được chính phủ kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong nửa cuối năm.
Các khoản nợ gia tăng nhanh chóng vì nhiều nguyên nhân. Song, một xu hướng rõ ràng nhất đối với các hộ gia đình trung lưu tại Trung Quốc là họ đi vay nặng lại để đầu tư vào sự hồi phục của nền kinh tế, bằng cách mua bất động sản hoặc đầu tư chứng khoán.
Ngoài ra, các hộ gia đình ở Trung Quốc còn sẵn sàng vay thế chấp để đầu tư. Điều này khiến nhiều người thiếu tiền mặt trầm trọng và khó có thể thanh toán các khoản vay. Do đó, họ buộc phải bán tài sản hiện có với giá chiết khấu để huy động tiền.
Tính đến cuối quý II/2021, nợ hộ gia đình Trung Quốc đã ở mức 62,0% GDP, giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức kỷ lục 62,2% vào cuối năm ngoái và thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý I. Song, cuối năm ngoái, nợ hộ gia đình ở mức cao kỷ lục là 130,9% thu nhập khả dụng.
Tháng trước, PBOC đã bất ngờ thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) với các ngân hàng, giải phóng khoảng 1 nghìn tỷ NDT thanh khoản. Đối với Zeng, đây là một tin tốt lành. Chị kỳ vọng rằng động thái này sẽ thúc đẩy thanh khoản cho thị trường nhà ở tại Thâm Quyến, giúp căn hộ 3 phòng ngủ của chị có thể bán với giá 8-9 triệu tệ.
Dẫu vậy, gia đình chị lại không may mắn đến thế. Giới chức Thâm Quyến đã nâng ngưỡng cho vay đối với việc mua căn nhà thứ 2 vào tháng trước. Do đó, người mua sẽ phải chi ít nhất 5 triệu tệ tiền mặt để trả trước khi mua nhà.
Chồng của Zeng cho biết: “2 năm qua, những gia đình giàu có và trung lưu mà tôi biết đều đi vay nhiều hơn để đầu tư bất động sản hoặc chứng khoán. Các khoản nợ ngày càng lớn. Nếu không làm điều tương tự, bạn sẽ khó có thể giàu có như họ. Đương nhiên, rủi ro cũng tăng lên, nhưng không ai dám giảm đòn bẩy.”
Giới trẻ không ngại vay nợ
Theo báo cáo “Phân tích tình hình kinh tế Vĩ mô Trung Quốc năm 2021 và Dự báo Giữa năm” của Viện Nghiên cứu Cấp cao thuộc Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải, nợ hộ gia đình của quốc gia này – cả các khoản vay ngắn, trung và dài hạn, tiếp tục tăng cao. Giá trị các khoản tín dụng mới được cấp cho các hộ gia đình đã lên tới 3,7 nghìn tỷ tệ trong 5 tháng đầu năm nay, cao hơn 1,1 nghìn tỷ tệ so với cùng kỳ năm ngoái.
Raymond Hu (50 tuổi) đang điều hành một công ty in ấn và dịch thuật ở Quảng Châu. Ông là một trong số những người Trung Quốc phải gánh thêm nợ để vượt qua đại dịch. Tháng 6, ông đã cầm cố căn hộ 3 triệu tệ để “cứu” doanh nghiệp của mình. Hu chia sẻ: “Nếu không làm như vậy, tôi sẽ phải đóng cửa công ty đã hoạt động trong hơn 1 thập kỷ.” Ông nói rằng công ty in ấn đã lỗ hơn 1 triệu tệ kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong khi đó, ngay cả những lao động nhập cư sống tại nông thôn, millennial và thế hệ Z cũng đang vay nợ nhiều hơn.
Wang Yan – làm việc tại nhà máy sản xuất máy chế biến ngũ cốc, cho biết rằng “hầu hết công nhân nhập cư trong nhà máy của chúng tôi đều đi vay nợ, họ cần mua nhà hoặc sắm của hồi môn cho đám cưới.” Anh nói: “Của hồi môn cho đám cưới tốn ít nhất 250.000 tệ ở quê tôi và những làng ở đông bắc Trung Quốc. Đây là gánh nặng lớn đối với nhiều gia đình nông thôn.”
Không như những thế hệ trước, giới trẻ Trung Quốc thường sử dụng ứng dụng cho vay trên điện thoại và thẻ tín dụng để vay tiền. Tháng 6/2020, giá trị các khoản tín dụng quá hạn hơn 6 tháng đã tăng lên 85,4 tỷ tệ, gấp 10 lần so với 1 thập kỷ trước. Một nửa trong số những “con nợ” này sinh vào những năm 1990.
Tang Ying – sống tại Quảng Châu, kiếm được 4.800 tệ/tháng và vay khoảng 18.000 tệ thông qua các nền tảng cho vay trong 4 tháng thất nghiệp vào năm ngoái. Giờ đây, cô phải thanh toán với lãi suất hàng năm khoảng 16%.
Bất chấp những rủi ro tài chính vì khoản nợ ngày càng phình to, các hộ gia đình được SCMP phỏng vấn vẫn cho biết họ có niềm tin vào đà tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là đợt hồi phục sau đại dịch.
Chị Zeng chia sẻ: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là tốt nhất. Đó là điều mang lại cho chúng tôi sự tự tin khi đi vay nợ nhiều.”
Tham khảo SCMP