Sốt đất chỉ mang tính cục bộ nhưng hậu quả rất lớn
Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp chia sẻ tại toạ đàm “Tỉnh táo trong cơn sốt đất” do Báo Người Lao Động tổ chức, sáng 8-4.
Chương trình với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản…
Chia sẻ về những cơn sốt đất ở các địa phương vừa qua, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam, cho rằng nguyên nhân sốt đất một phần do người dân có dòng tiền nhàn rỗi và kỳ vọng về giá bất động sản tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tín hiệu lạc quan…
Một số kênh đầu tư tích trữ an toàn như tiền gửi có lãi suất thấp nên nhà đầu tư tìm đến kênh hấp dẫn hơn như bất động sản.
“Dù vậy, nếu nhìn ở bức tranh chung, sốt đất xảy ra cục bộ một số địa phương khi có thông tin về quy hoạch. Giá có thể tăng vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng… nhưng không phải là giao dịch quy mô lớn mà chủ yếu là giao dịch nhỏ, do một nhóm người đưa ra những thông tin về quy hoạch, điều chỉnh giá đất để trục lợi, kiếm lời qua cơn sốt đất” – ông Phạm Lâm nói.