Số phận các khoản thuế mà ông Trump đã áp dụng với TQ sẽ thế nào khi Mỹ có Tổng thống mới?
Một trong những chính sách mang dấu ấn của Tổng thống Trump là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc , đi kèm với đó là hàng loạt khoản thuế đã áp lên Bắc Kinh kể từ giữa năm 2018. Đại dịch Covid-19 dường như càng khoét sâu thêm cuộc phân tách trong quan hệ thương mại giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới khi cuộc chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, dưới sức ép của Mỹ, cũng đang được manh nha.
Vậy các chính sách này sẽ diễn biến thế nào nếu ông Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ?
01. Sẽ có sự thiết lập lại quan hệ Mỹ – Trung
Trả lời chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc, Derek Grossman, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu RAND (trụ sở tại Mỹ), không cho rằng chính sách Châu Á của Biden sẽ là một dạng “hồi sinh” chiến lược Tái cân bằng hay Xoay trục về châu Á từ chính quyền Obama.
Ông Biden, giống như mọi Tổng thống trước đây, sẽ muốn cá nhân hóa chính sách và điều đó có lẽ, ở mức tối thiểu, một sự thay đổi tên và có lẽ là sự thay đổi trọng tâm địa lý, tức là không còn là “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” mà là “Châu Á – Thái Bình Dương ” hoặc một cái gì đó tương tự. Điều đó cho thấy, cách tiếp cận địa chiến lược chung có khả năng vẫn còn nguyên vẹn.
“Có thể có một số thay đổi về phong cách, nhưng nội dung của chiến lược sẽ không thay đổi. Tôi dự báo sẽ có một chút thiết lập lại trong quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Biden, trong nỗ lực tìm kiếm một số điểm chung trong các vấn đề thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Ngoài ra, không có nhiều khả năng thay đổi”, Grossman nói thêm.
Cuộc bầu cử sẽ không mở ra bất kỳ thay đổi cơ bản lớn nào đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Nếu có bất kỳ thay đổi nào thì thiên nhiều về phong cách hơn là nội dung. Việc Washington thúc đẩy cạnh tranh và đối trọng với Bắc Kinh cũng như tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác để đạt được kết quả này, rất có thể vẫn là mục tiêu chính sách đối ngoại hàng đầu.
Căng thẳng có thể sẽ tiếp tục âm ỉ dưới thời chính quyền Biden vì định hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ – cạnh tranh và chống lại Trung Quốc – vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, ông Biden chắc chắn sẽ tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm năng thay vì chỉ có chỉ trích như chính quyền Trump đã làm. Ví dụ, có thể dễ dàng hình dung sự hợp tác Mỹ-Trung về biến đổi khí hậu và có thể là những thách thức khác trong lợi ích toàn cầu.
02. Trung Quốc có thể muốn tái đàm phán Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1
Về thương mại, ông Grossman cho biết, có một số thông tin rằng Trung Quốc có thể muốn đàm phán lại thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 được tạo ra dưới thời Trump và sẽ phải chờ xem điều này diễn ra như thế nào.
Stephen Olson, chuyên gia cao cấp của Quỹ Hinrich, cũng cho biết, đã có một số suy đoán rằng Trung Quốc sẽ tìm cách sửa đổi thỏa thuận, mặc dù điều đó chưa được xác nhận.
Nhưng với những phát biểu cứng rắn trong chiến dịch tranh cử về Trung Quốc, Biden sẽ có rất ít khả năng làm cho thỏa thuận “dễ dàng hơn” với nước này. Bởi nếu làm điều đó thì ông dường như sẽ chứng tỏ rằng tất cả những lời chỉ trích về việc “mềm mỏng” với Trung Quốc mà ông Trump đưa ra là đúng, chuyên gia của Quỹ Hinrich lý giải.
Mặc dù cho rằng phong cách và thái độ về chính sách thương mại dưới thời ông Biden sẽ rất khác so với ông Donald Trump, ông Stephen Olson cho rằng, về cơ bản, sẽ có một sự tiếp nối nhất định.
Đặc biệt là với Trung Quốc, nghị sự về vấn đề thương mại của ông Biden sẽ tương tự như Tổng thống Trump. Ông sẽ cố gắng tập trung vào các vấn đề trợ cấp công nghiệp, chuyển giao công nghệ và các quan ngại về an ninh quốc gia liên quan đến các công ty công nghệ Trung Quốc. Điểm khác biệt lớn là Biden sẽ làm việc với EU, Nhật, Úc và các đồng minh, đối tác khác để đưa ra một “mặt trận thống nhất” với Trung Quốc về các vấn đề thương mại này trong khi ông Trump chọn cách “đi một mình”, ông Olson nhận định.
Đồng tình về việc ông Biden chắc chắn sẽ có cách tiếp cận khác, Arthur R. Kroeber, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Gavekal Dragonomics, công ty chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Hồng Kông, cho rằng, chắc chắn là sẽ không có thêm khoản thuế mới.
“Câu hỏi là liệu các khoản thuế đã có liệu có bị thu hồi? Tôi cho là có thể, ít nhất là với một số loại thuế, nhưng chỉ sau các đàm phán tiếp theo với Trung Quốc”, ông nói thêm.
Về Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hai nước đã ký hồi đầu năm, Arthur R. Kroeber cho rằng ông Biden sẽ không nhấn mạnh đến thỏa thuận Giai đoạn 1 vì các yêu cầu mua hàng – khiến hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ chuyển sang các nước khác – đã khiến các đồng minh của Mỹ tức giận.
“Tôi dự đoán rằng sẽ có một sự nối lại các cuộc đàm phán thương mại về các vấn đề như trợ cấp thương mại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực được bảo hộ. Mục tiêu ở đây sẽ không quá nhiều mà là duy trì một kênh liên lạc mở”, Arthur R. Kroeber dự báo.
03. Quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng
Stephen Olson cho rằng, vì đại dịch Covid-19, các nước đã buộc phải xem xét lại cơ bản và điều chỉnh cách tiếp cận với vấn đề thương mại. Đại dịch đã chỉ ra rằng thương mại không chỉ mang lại lợi ích và hiệu quả kinh tế mà còn có thể mang lại rủi ro và tính dễ bị tổn thương. Giao tranh trong thương mại Mỹ-Trung đã dẫn đến việc một số cơ sở phải di dời ra khỏi Trung Quốc và đến các nước như Việt Nam. Điều này sẽ tiếp diễn, nhưng Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh mà các nước không thể so sánh, chuyên gia của Hinrich nói.
Trong khi đó, Arthur R. Kroeber thừa nhận, có rất ít bằng chứng về một cuộc tái dịch chuyển chuỗi cung ứng. Lợi thế của Trung Quốc là quá lớn để quốc gia nào có thể vượt qua, và hầu hết các công ty đa quốc gia đặt chuỗi cung ứng chính ở Trung Quốc vì đó cũng là thị trường lớn.