Lợi ích khi VinFast IPO tại Mỹ và yếu tố vĩ mô khiến các nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến cổ phiếu từ thị trường mới nổi như Việt Nam

Lợi ích khi VinFast IPO tại Mỹ và yếu tố vĩ mô khiến các nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến cổ phiếu từ thị trường mới nổi như Việt Nam

VinFast đang làm việc với tư vấn để thực hiện chào bán ngay trong quý này, một đợt chào bán có thể huy động lên tới 2 tỷ USD. VinFast kỳ vọng vào mức định giá ít nhất 50 tỷ USD sau khi niêm yết, nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Về lý do các công ty chọn IPO tại Mỹ thay vì quê nhà, Investopedia cho rằng, có một vài động cơ chính khiến các công ty quyết định như vậy.

Thứ nhất là giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ có quy mô lớn hơn rất nhiều so với các sàn chứng khoán khác. Đây sẽ là nơi có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, sẵn sàng góp vốn mà không đòi hỏi quyền điều hành vì niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ cho phép ban giám đốc duy trì kiểm soát của các công ty dù không sở hữu phần lớn cổ phiếu. Minh chứng thành công của Facebook và Manchester United là bài học tốt cho các công ty muốn IPO tại đây.

Thứ hai, các doanh nghiệp IPO tại Mỹ kỳ vọng sẽ có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trên khắp thế giới thay vì chỉ ở thị trường quê nhà.

Thứ ba, việc niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ cho phép các công ty có phạm vi hoạt động rộng hơn khi tiến hành mua bán sáp nhập. Sở hữu cổ phiếu niêm yết bằng đồng USD sẽ đơn giản hóa hoạt động mua lại các công ty Mỹ trong tương lai của doanh nghiệp nước ngoài, và giảm bớt sự giám sát mà những thương vụ này thường phải đối mặt.

Bên cạnh đó, khi một công ty Mỹ được niêm yết muốn mua một doanh nghiệp Mỹ khác, thị trường có xu hướng không quan tâm đến thương vụ. Nhưng điều này lại hoàn toàn trái ngược khi một doanh nghiệp nước ngoài muốn mua công ty Mỹ.

Nhưng liệu một công ty nước ngoài, đặc biệt là từ khu vực đang phát triển có thể thuyết phục được các nhà đầu tư Mỹ? 

Theo KrAsia, Masana Takahashi, nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính doanh nghiệp và kế toán Jidobox có trụ sở tại Singapore, nhiều nhà đầu tư Mỹ đã kiếm được lợi nhuận đáng kinh ngạc thông qua sự thành công của các công ty Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, những bất đồng về địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đã để lại dấu hỏi về tương lai của các công ty Trung Quốc niêm yết tại New York. 

Những căng thẳng này thậm chí có thể không khuyến khích các công ty Trung Quốc mới niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, theo GlobalData, một công ty phân tích. Trên thực tế, nhiều công ty Trung Quốc đang cân nhắc IPO ở ở Hong Kong.

Đó là một phần lý do tại sao các công ty từ Đông Nam Á có thể thu hút các nhà đầu tư ở Mỹ. Khu vực này được công nhận là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. “Dòng tiền vào Đông Nam Á có lẽ đang tăng đều đặn do ngày càng được công nhận là một thị trường mới nổi”.

“Sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với công ty phụ thuộc vào nền tảng kinh tế nơi công ty đó hoạt động” – ông Masana Takahashi nói.

Mới đây, các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại mức 6-8% trong năm nay và những năm tới. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, bất chấp đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt trong các lĩnh vực kinh tế và y tế.