TTCK Trung Quốc: Không phải công nghệ, một quả bong bóng đáng sợ hơn đang được thổi phồng bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp
Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán đang chứng kiến một quả bong bóng đang được hình thành, thậm chí còn đáng sợ hơn cả bong bóng công nghệ. Quả bong bóng này không được thổi phồng bởi nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ mà lại chính là những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trong những ngày gần đây, một nhà sản xuất nước tương có thể được định giá cao gấp 100 lần lợi nhuận. Và đây không phải là cổ phiếu vốn hóa nhỏ: Foshan Haitian Flavouring & Food Co. là một cổ phiếu blue chip với vốn hóa thị trường là 81 tỷ USD. Từ những công ty chăn nuôi lợn cho đến các nhà sản xuất bia, rượu nổi tiếng của Trung Quốc, ngành F&B nước này đã vượt qua các ngân hàng để trở thành nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số CSI 300. Trong năm nay, cổ phiếu ngành này đã tăng trung bình 60%.
Xu hướng đầu tư vào ngành này đã bắt đầu hạ nhiệt vào tuần trước. Hôm 3/9, không hề có dấu hiệu cảnh báo trước, cổ phiếu của Foshan Haitian đã lao dốc từ mức cao kỷ lục. Tình trạng bán tháo còn lan rộng sang cả phiên ngày 4/9 khiến cổ phiếu Foshan mất 14% trong 2 ngày.
Không giống như những cổ phiếu công nghệ vốn có sức hút lớn với nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Thâm Quyến, nhóm nhà đầu tư tổ chức thường “theo đuổi” các cổ phiếu blue chip này. Các quỹ tương hỗ đã phân bổ trung bình 11,8% quỹ vào các cổ phiếu thực phẩm và đồ uống, chỉ đứng sau ngành chăm sóc sức khỏe, theo dữ liệu của Haitong Securities Co.
Xu hướng này diễn ra khi các quỹ tương hỗ đang huy động tiền với tốc độ kỷ lục. Kể từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, họ đã huy động được hơn 2 nghìn tỷ CNY (292 tỷ USD) – cao hơn toàn bộ năm 2019. Do đó, các quỹ tương hỗ và quỹ đầu tư chứng khoán có được thị phần rất lớn. Đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay đã thúc đẩy lợi nhuận của các nhà quản lý quỹ, từ đó cũng thu hút dòng vốn.
Đương nhiên, số vốn thu hút được phải có đích đến. Trong khi Bắc Kinh khuyến khích đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ còn non trẻ, thì nhóm nhà đầu tư tổ chức lại khá e ngại. Hơn 1 nửa số vốn của họ đều được phân bổ cho các công ty được niêm yến trên thị trường chứng khoán chính – thường phải đáp ứng yêu cầu về mức lợi nhuận.
Các công ty F&B đã trở thành “con cưng” của các nhà đầu tư nhờ việc họ có thể dự đoán được dòng tiền. Ví dụ như Foshan Haitian, tăng trưởng doanh số bán hàng đã tăng 10% kể từ năm 2012, trong khi lợi nhuận còn tăng mạnh hơn. Theo một báo cáo mới đây của Bank of China, việc mua cổ phiếu Foshan cũng giống như đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất coupon từ 10% đến 20%.
Điều này có thể đúng, nhưng dòng tiền đổ vào để mua một số lượng cổ phiếu hạn chế đang khiến “căn phòng” này trở nên chật chội hơn. Ví dụ, Foshan có tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng chỉ là 14%, trong khi các cổ đông chi phối nắm giữ 58% cổ phần. Với tỷ lệ free float 26% và 33%, các nhà sản xuất rượu Kweichow Moutai Co. và Wuliangye Yibin Co. cũng không khả quan hơn. Theo đó, hệ số P/E 50 lần là một điều bình thường trong ngành này.
Dẫu vậy, các nhà đầu tư tổ chức vẫn quan tâm đến dự báo lợi nhuận. Nhưng ở mức giá nào? Tỷ suất sinh lời của các công ty thực phẩm hiện đang thấp hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc – vốn đã tăng lên hơn 3% vào tuần trước.
Trong năm nay, các nhà quản lý tài sản đang gặp khó khăn trong việc điều hướng một thị trường tăng giá. Bên cạnh việc thiếu độ sâu của thị trường (market depth), họ còn phải tìm cách để có được thành quả vượt trội hơn so với các chỉ số tham chiếu và cả những công ty cùng ngành. Tại Trung Quốc, các quỹ đầu tư chứng khoán ghi nhận lợi nhuận trung bình là 45% trong 8 tháng đầu năm, Do đó, toàn bộ ngành đã rơi vào “guồng quay”, họ không ngừng tìm kiếm sự tăng trưởng và phải trả cái giá khá đắt có việc đó.
Tham khảo Bloomberg