Giá vàng, đô đang hoàn toàn bị chi phối bởi điều này
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – tăng 0,04% vào lúc kết thúc ngày 15/12 theo giờ Việt Nam, biên độ dao động trong phiên này (so với đóng cửa ngày 14/12) ở mức 0,2%.
Các nhà giao dịch tạm gác lại mối lo về virus Omicron, mặc dù đó đang là vấn đề rất nóng. Kim Mundy, chiến lược gia tiền tệ của CBA, cho biết: “Thật khó để Omicron trở thành trọng tâm chi phối thị trường khi đã có FOMC (Ủy ban Thị trường Mở của Fed), và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) xếp hàng để đưa ra các quyết định chính sách.
Kỳ vọng việc Fed sẽ sớm nâng lãi suất và thái độ ôn hòa của Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã giữ cho đồng USD mạnh trong những tuần gần đây, không xa mức cao 96,938 đạt được vào tháng trước – mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2020.
Đồng USD đã giảm nhẹ sau báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 11 tăng thấp hơn dự kiến. Tuy nhiên, dữ liệu sau khi điều chỉnh cho thấy doanh số bán hàng trong tháng 10 cao hơn so với số liệu ban đầu.
Joseph Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của Western Union Business Solutions, cho biết các kết quả của hai tháng gần đây củng cố kỳ vọng của thị trường về sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ trong quý IV. “Đó là lý do khiến tất cả mọi người đều theo dõi Fed”, ông Manimbo.
Các thị trường đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho việc Fed sẽ kết thúc hoạt động mua trái phiếu vào khoảng tháng 3 năm tới, và sau đó sẽ tiến hành một hoặc có thể là hai lần nâng lãi suất trong năm 2022. Việc Fed tăng lãi suất tới 2 lần trong năm 2022 được coi là quan điểm “diều hâu”.
Cuộc họp của ủy ban chính sách của Fed diễn ra trong bối cảnh virus biến chủng Omicron đang lây lan nhanh chóng, làm dấy lên lo ngại rằng sự phục hồi kinh tế sẽ bị mất đà. Bằng chứng sơ bộ cho thấy vắc xin Covid-19 mà thế giới hiện đang dùng có thể kém hiệu quả hơn trong việc chống nhiễm trùng và lây lan liên quan đến Omicron hơn là các virus biến thể khác, thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.
So với đồng yên Nhật, USD tăng 0,2% lên 113,805 JPY vào lúc kết thúc ngày 15/12 theo giờ Việt Nam.
Trong khi thị trường tiền tệ theo dõi chặt chẽ động thái của Fed thì các dữ liệu kinh tế tốt có xấu có phát đi từ Trung Quốc lại không tác động nhiều đến thị trường này. Sản lượng của các nhà máy Trung Quốc tăng mạnh hơn dự kiến, nhưng doanh số bán lẻ lại thấp hơn dự báo.
Đồng euro không đổi so với USD, ở mức 1,1257 EUR trước thềm cuộc họp chính sách của ECB – sẽ diễn ra vào thứ Năm (16/12) với việc dự kiến các quan chức sẽ xác nhận rằng chương trình mua trái phiếu của các ngân hàng thực hiện trong giai đoạn đại dịch sẽ kết thúc vào tháng 3 tới.
Bảng Anh tăng nhanh so với đồng USD sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát tháng 11 của Anh đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm. Bảng Anh đã vững ở mức khoảng 1,3227 USD trong suốt phiên vừa qua.
Dự báo BoE sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp cũng vào thứ Năm (16/12) do sự lây lan nhanh chóng của virus biến thể Omicron ở Anh. Đây là dự đảo ngược quan điểm so với kỳ vọng của các nhà đầu tư cách đây một tháng là Anh sẽ tăng lãi suất.
Đồng đô la Canada giảm so với đồng bạc xanh, xuống mức thấp nhất trong ba tháng do một báo cáo cho thấy lạm phát của nước này tiếp tục cao. CAD gần đây liên tục giảm giá do giá dầu giảm, gần đây nhất ở mức 1,2903 USD.
Đồng đô la Australia tăng 0,3% lên 0,7128 AUD/USD; đô la New Zealand giảm 0,1% xuống 0,6733 NZD.
Nhân dân tệ Trung Quốc tăng mạnh trong phiên vừa qua sau khi ngân hàng trung ương nước này giữ nguyên lãi suất cho vay tham chiếu, trong khi dữ liệu mới cho thấy sản lượng của các nhà máy tăng nhanh hơn dự kiến, nhưng các thương nhân và nhà phân tích nhận định đồng nhân dân tệ khó có thể tăng thêm nữa.
Phiên vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng CNY so với USD là 6,3716 CNY, thấp nhất trong vòng hơn một tuần. Trên thị trường trong nước, CNY vững ở mức 6,3644 CNY, tăng 26 pip so với phiên trước; CNY ở nước ngoài cũng tăng lên 6,3736 CNY.