PGBank và câu hỏi lớn trước kỳ đại hội
Chặng đường dài với nhiều lối rẽ…
Theo kế hoạch, ngày 9/3 tới, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Nội dung chi tiết của cuộc họp vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm chính là việc sáp nhập của ngân hàng, vốn đang bị “treo” từ nhiều năm nay.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, ngân hàng VietinBank đã thông qua phương án sáp nhập PGBank qua phương thức hoán đối cổ phiếu theo tỷ lệ 1:0,9, tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,9 cổ phiếu CTG.
Về lộ trình, lãnh đạo Vietinbank khi đó cho biết, ngân hàng đã hoàn thành hợp đồng sáp nhập trong 3 tháng đầu năm 2015, dự kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ đưa ra chấp thuận về mặt cơ bản vào tháng 6/2015. VietinBank sẽ phát hành cổ phiếu mới và cần thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được niêm yết trên sàn HSX trong quý 3/2015.
Tuy nhiên, đến năm 2017, việc sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa thể hoàn tất.
Trao đổi với phóng viên BizLIVE bên lề ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch ngân hàng Vietinbank khi đó cho biết, việc sáp nhập PGBank vào Vietinbank đã hoàn thành các quy trình. Tuy nhiên, do thời gian sáp nhập kéo dài hơn so với dự kiến, nên NHNN có chỉ đạo hai ngân hàng tiếp tục cập nhật tình hình kinh doanh, đặc biệt, thực hiện kiểm toán lại ngân hàng PGBank.
“Hiện hai bên đang thực hiện kiểm toán lại, và quan trọng hơn, là thực hiện đàm phán lại về tỷ lệ hoán đổi. Đây chính là điểm vướng nhất hiện nay. Trên cơ sở đàm phán, hai bên phải thống nhất được tỷ lệ hoán đổi, từ đó sẽ trình NHNN để hoàn tất thủ tục”, ông Thắng nói tại thời điểm đó.
Nói về lý do phải đàm phán lại tỷ lệ hoán đổi, Chủ tịch Vietinbank cho biết, do trong quá trình triển khai, các thủ tục bị kéo dài. Trong thời gian này, các dữ liệu của hai bên cũng có nhiều thay đổi, theo đó, phải tiến hành kiểm toán lại.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2018, VietinBank bất ngờ thông báo hai bên đã có thỏa thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập. Lý do cụ thể không được tiết lộ.
Ngay sau đó, tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, HDBank bất ngờ bổ sung tờ trình phương án sáp nhập PGBank vào chương trình đại hội. Theo đề án, tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1:0,621 (1 cổ phiếu PGBank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank).
Sau sáp nhập, toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của PGBank sẽ được chuyển đổi sang HDBank, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của PGBank.
Và theo như kế hoạch đề ra, việc bàn giao, sáp nhập sẽ được hoàn tất trong tháng 8/2018.
Tuy nhiên, thêm hơn 2 năm nữa đã trôi qua, cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin nào liên quan đến thương vụ đến từ hai nhà băng trên.
Thương vụ kéo dài khiến Petrolimex, cổ đông lớn nắm tới 40% vốn của PGBank tỏ ra sốt ruột. Doanh nghiệp này đang chịu áp lực phải thoái phần vốn góp tại ngân hàng do vượt quá tỷ lệ theo quy định, cũng như các mốc lộ trình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các NHTM đã trôi qua và kéo dài.
Hồi cuối tháng 6/2020, ông Trần Ngọc Năm, trưởng nhóm đại diện 40% vốn góp của Petrolimex tại PGBank cho biết, doanh nghiệp này sẽ lên kế hoạch bán toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư khác nếu việc sáp nhập không được thực hiện trước ngày 31/8. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, theo ông Năm, sẽ trên tinh thần thận trọng để tránh vi phạm các điều khoản trong hợp đồng sáp nhập.
“Cái gì phải thoả thuận với HDBank thì thỏa thuận, cái gì PGBank thực hiện được thì nên thực hiện. Hội đồng Quản trị nên sớm đưa các nội dung này để làm việc với HDBank, phải bày tỏ quan điểm không thể chờ mãi được”, ông Năm nói vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, đến nay, thời hạn mà đại diện Petrolimex nhắc tới đã qua nửa năm nhưng vẫn chưa có thông tin nào về việc Petrolimex thoái vốn tại PGBank.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch PGBank, vướng mắc lớn nhất để thực hiện thương vụ là NHNN chưa thông qua đề án cuối cùng, dù cơ quan quản lý đã chấp thuận về mặt nguyên tắc từ tháng 9/2018.
Điều này cho thấy, để sáp nhập vào một ngân hàng khác là câu chuyện không dễ dàng, dù hai bên có “thuận mua vừa bán” nhưng việc thuyết phục được cơ quan quản lý thì lại là câu chuyện khác. Và hệ quả của câu chuyện này là hoạt động kinh doanh ngân hàng cũng bị ảnh hưởng lớn. Mặt khác, câu chuyện trách nhiệm các bên có là một trở ngại trong các tiến trình và các kế hoạch hay không?
Trong khi đó, sau VietinBank, HDBank, từng có dịp thị trường bàn luận khả năng có mặt MB, thì gần đây lại có tình huống lối rẽ mới trong chặng đường của PGBank với MSB(?).
Với rất nhiều diễn biến và chưa định hình điểm đến cuối cùng như vậy, kỳ ĐHĐCĐ sắp tới của PGBank dự kiến sẽ tiếp tục có điểm nóng.
Hồi phục chờ sáp nhập?
Trước khi có khả năng thay đổi lớn nào đó xẩy ra, PGBank đã, vẫn và đang tự thân cùng nguyên trạng cơ cấu cổ đông lớn hoạt động suốt thời gian trên. Kết quả kinh doanh năm qua bước đầu có hướng phục hồi cao nhất 8 năm qua.
Trước đó, sau khi có sự tham gia của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex từ năm 2005, ngân hàng đã có những dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Tuy nhiên, từ năm 2012, kết quả kinh doanh của PGBank bắt đầu lao dốc và liên tục trồi sụt.