Những thách thức lớn của thị trường BĐS năm 2021
Theo vị chuyên gia này, thị trường BĐS năm 2021 dù có điểm sáng, kì vọng hồi phục nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, hiện phân khúc căn hộ có giá dưới 1.000 USD dường như đã biến mất khỏi thị trường. Thậm chí những căn hộ có giá dưới 35 triệu đồng/m2 cũng vô cùng hiếm hoi trên thị trường nhà ở tại Tp.HCM thời điểm hiện tại. Theo ông Hoàng, đây là điều bất ổn, bất hợp lý khi mà nhà ở vừa túi tiền không được chú trọng.
Ông Hoàng lấy dẫn chứng, một căn hộ có giá 40 triệu đồng/m2, với diện tích 60m2 thì rơi vào tầm 2.5 tỉ đồng/căn. Nếu ở mức thu nhập 20-25 triệu đồng/tháng, vay thêm ngân hàng thì có thể sở hữu được, nhưng những người có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng thì giá căn hộ như vậy gấp 10-15 lần thu nhập của người ta, là cả một vấn đề nhà ở với người lao động thu nhập thấp.
“Quan trọng nhất hiện nay là bình ổn được giá cả trên thị trường BĐS, để những người lao đông có thu nhập thấp vẫn có cơ hội để sở hữu nhà”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài câu chuyện giá cả, phân khúc thì theo ông Hoàng một thách thức với thị trường BĐS hiện nay không thể không nhắc đến là dịch Covid-19. Dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nếu tình trạng kiểm soát lỏng lẻo hoặc việc thiếu ý thực thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ y tế. Như vậy, rủi ro về an toàn y tế xã hội cũng là một thách thức với thị trường BĐS hiện nay.
Cũng theo các chuyên gia trong ngành, pháp lý sẽ tiếp tục là điểm nghẽn của thị trường BĐS. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, năm 2021, thị trường BĐS sẽ có điểm tựa để phát triển, như: Dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5 – 7% khi các doanh nghiệp đã cơ bản thích ứng và nhanh nhạy với diễn biến phức tạp của dịch bệnh;
Nhiều Luật chi phối thị trường được sửa đổi, bổ sung mang lại những tín hiệu tích cực; Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất của cộng đồng DN FDI vào Việt Nam; Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh… Tuy vậy, thị trường vẫn chứng kiến 3 rủi ro về pháp lý, dịch bệnh chưa kết thúc và đòn bẩy tài chính. Dù nhà đầu tư Việt Nam đã quen với những vấn đề trên nhưng vẫn cần thận trọng. Bởi ở thời điểm này, thị trường như bước sang một trang mới.
Cùng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm gián đoạn hoạt động kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới; xung đột thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn. Trong nước, thiên tai, dịch bệnh tác động không nhỏ tới các hoạt động của nền kinh tế và cuộc sống của người dân; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao.
Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực với việc duy trì tăng trưởng. Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê Việt Nam, mặc dù tăng trưởng GDP năm 2020 đạt thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì đó là một thành công của nước ta với tốc độ tăng thuộc nhóm nước cao nhất thế giới.
Có được những thành quả này, vai trò lớn nhất thuộc về sự nỗ lực từ toàn bộ hệ thống chính trị trong việc tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Mặc dù vậy, theo TS Khương, không thể phủ nhận rằng trong năm 2021, Việt Nam vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Năm 2021 là năm nhiều khó khăn và thử thách chung, không chỉ cho riêng Việt Nam, mà còn của cả thế giới. Có thể kể ở đây các yếu tố chính là sự diễn biến phức tạp & khó lường của đại dịch Covid-19; căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các nước lớn trên thế giới; rủi ro địa chính giữa các khu vực; và việc bất ổn tài chính toàn cầu.
Là một đất nước đang ngày một hòa nhập sâu vào nền kinh tế của thế giới, Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động chung này. Đặc biệt, 2021 còn là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Điều này đặt ra những thử thách lớn cho Chính phủ nước ta.
Theo TS Khương, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, cùng với các ngành kinh tế trọng điểm khác như thương mại dịch vụ, vận tải, du lịch hàng không, đầu tư bất động sản cũng là lĩnh vực được dự đoán gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường BĐS còn chưa đồng bộ, những khó khăn về thủ tục hành chính, hay gần đây tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương, tình trạng lừa đảo bán “dự án ma” trở nên phổ biến; Thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường BĐS và những lo ngại về tính minh bạch của thị trường… là những khó khăn mà theo các chuyên gia trở thành thách thức cản trở sự phát triển bền vững của thị trường BĐS.