Vì sao chỉ một ca nhiễm COVID-19 tại Đông Nam Á khiến hãng xe lớn nhất thế giới lo sợ?
Trong nhiều năm qua, hãng xe hàng đầu thế giới Toyota Motors đã phát triển mạng lưới cung ứng quy mô lớn tại nhiều nước Đông Nam Á đến nỗi mà hệ thống này hiện đã có sự tham gia của hàng trăm nhà máy khắp khu vực, giờ đây sự lây lan của biến chủng delta đang gây ra rất nhiều thách thức cho hãng, theo nội dung bài đăng mới đây trên Bloomberg.
NỖI LO LẮNG CỦA MỘT QUẢN LÝ TẠI TOYOTA NHẬT
Đầu tháng trước tại một nhà máy trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, một công nhân dương tính với COVID-19. Ca nhiễm COVID-19 của người công nhân này diễn ra trong bối cảnh biến chủng delta đang lây lan mạnh tại một số tỉnh thành của Việt Nam. Ngày 4/8, giới chức địa phương tạm ngừng hoạt động của nhà máy thuộc chủ sở hữu là một nhà sản xuất phụ tùng ô tô này.
Cách đó hàng nghìn kilomet, giám đốc bộ phận thu mua của hãng xe Toyota – ông Kumakura, cẩn trọng dõi theo các diễn biến liên quan. Nhà máy bị đóng cửa được vận hành bởi một nhà cung cấp phụ tùng quan trọng cho Toyota và là một trong những nhà máy sản xuất bó dây điện, một sản phẩm đơn giản nhưng vô cùng thiết yếu giúp đảm bảo hoạt động bên trong của chiếc ô tô.
Khi mà tình trạng lây nhiễm COVID-19 tại nhà máy này gây gián đoạn sản xuất, tồn kho của Toyota giảm sâu. Từ tháng 7 đến nay, hãng xe Nhật đã không ngừng theo dõi sát sao tình hình các nhà cung cấp của hãng trong khu vực này, tình hình được cập nhật hàng ngày để phía Nhật có thể biết mọi chuyện đang ở mức độ nào.
Cuối cùng, dù đã cố gắng bằng đủ cách mà không thể gom đủ phụ tùng, trong đó có bó dây điện từ Việt Nam và chip từ Malaysia, Toyota đã phải “chịu thua”. Hãng xe ô tô lớn nhất thế giới gây sốc thị trường bằng việc thông báo sẽ giảm sản lượng ô tô trong tháng 9 khoảng 40% so với các kế hoạch sản xuất gần nhất.
“Vấn đề quan trọng là liệu hoạt động của các nhà máy này có thể tiếp tục tại Đông Nam Á hay không”, ông Kumakura nói trong lo ngại với giới truyền thông vào ngày 19/8. Tuy nhiên các biện pháp phong tỏa, số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng cao và các biện pháp phong tỏa chặt chẽ của chính phủ gây hạn chế lên sản xuất khiến cho không ít nhà cung cấp, đặc biệt tại Malaysia và Việt Nam, sẽ không thể tiếp tục sản xuất.
Toyota giờ đây đương đầu với thách thức đảm bảo đủ nguồn cung phụ tùng thay thế và bù đắp lại sản lượng suy giảm kịp lúc nhằm đáp ứng cho nhu cầu ô tô toàn cầu. Tuy nhiên những khó khăn đang gây tổn hại đến một trong những chuỗi cung ứng tốt nhất thế giới không khỏi khiến nhiều người hoài nghi về việc chiến lược của ngành ô tô thế giới ưu tiên đến hiệu suất và duy trì hàng tồn kho tối thiểu có nên được duy trì trong thế giới hậu đại dịch COVID-19.
Nhiều hãng ô tô trên thế giới đã để mất doanh thu bởi tình trạng thiếu hụt này đã ảnh hưởng đến sản lượng ô tô. Hãng ô tô lớn nhất Ấn Độ tính theo doanh số bán ra có tên Maruti Suzuki công bố sản lượng xe vào tháng này có thể chỉ bằng 40% so với bình thường. Ngày thứ Tư tuần này, hãng xe Tata Motors của Ấn Độ đã đổ lỗi tình trạng phong tỏa gần đây tại Đông Á cho việc chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hãng xe Nio của Trung Quốc hiện đang chật vật trong việc có đủ phụ tùng theo hợp đồng với đối tác tại Malaysia. Tại Nhật, hãng xe Suzuki công bố giảm sản lượng xe khoảng 20% từ tháng 9. Tại châu Âu, hãng xe Renault SA công bố ngừng nhà máy sản xuất phụ tùng tại Tây Ban Nha trong khoảng 61 ngày trước thời điểm cuối năm nay.
ĐÔNG NAM Á – NHÀ CUNG CẤP CỰC KỲ QUAN TRỌNG CHO NHIỀU HÃNG Ô TÔ LỚN THẾ GIỚI
Thông thường, lợi nhuận biên của ngành ô tô vốn thấp hơn rất nhiều so với các công ty công nghệ lớn dù rằng suốt nhiều thập kỷ đã trôi qua, họ không ngừng cố gắng cắt giảm chi phí, theo phân tích của giáo sư ngành quản lý tại Viện quản lý phát triển Thụy Sỹ – ông Howard Yu. Các hãng xe cố gắng giảm tình trạng thừa mứa càng nhiều càng tốt tuy nhiên để có thể vững vàng hoạt động, cần phải dự phòng dư thừa một chút, ông Yu khẳng định.
Trong thập kỷ qua, các hãng xe Nhật đã đầu tư mạnh tay vào Đông Nam Á. Doanh nghiệp Nhật nhìn nhận khu vực này như nguồn cung lao động thấp và bổ sung cho hoạt động của họ tại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung Quốc leo thang.
Thái Lan hiện đang là trung tâm sản xuất lớn cho Toyota, Mitsubishi Motors, Honda Motor và Nissan Motor. Các hãng xe này chiếm khoảng nửa trong tổng quy mô sản xuất ngành ô tô Thái Lan và đồng thời là nguồn cung cấp phụ tùng quan trọng cho các nước láng giềng. Chỉ riêng Toyota cũng đang có mối quan hệ với khoảng các nhà cung cấp sở hữu mạng lưới khoảng 400 nhà máy tại Malaysia và Việt Nam, theo số liệu của Bloomberg.
Cách tiếp cận theo kiểu tập trung đó phát huy hiệu quả, cho đến khi nó không còn như vậy nữa. Cho đến gần giữa năm nay, Đông Nam Á bắt đầu đương đầu với sự lây lan của một trong những loại virus chết chóc nhất thế giới. Chính phủ các nước tuyên bố về các biện pháp phong tỏa và hạn chế hoạt động kinh doanh, đã có lúc ngừng hoàn toàn hoạt động của nhà máy khi phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm.
Việt Nam là nguồn cung cấp bó dây điện ô tô lớn nhất cho thị trường Nhật. Có một số nhà máy sản xuất phụ tùng tại Nhật hiện đang vận hành nhà máy tại Việt Nam. Một nhà máy sản xuất bó dây điện lớn đồng thời là nhà cung cấp lớn của Toyota trong khu vực là Furukawa Electric đã bị buộc phải ngừng hoạt động do các biện pháp hạn chế thời kỳ dịch COVID-19, theo phát ngôn viên của công ty cho hay.
Tương tự, những năm gần đây, Malaysia đã nổi lên trong vai trò trung tâm đóng gói chip giai đoạn cuối, quy trình thu được ít lợi nhuận nhất trong toàn bộ chuỗi cung cấp các sản phẩm bán dẫn. Số lượng ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao tại khu vực đã buộc nhiều nhà cung cấp quan trọng cho các hãng xe lớn của thế giới như STMicroelectronics NV và Infineon Technologies AG phải đóng cửa nhà máy, tình trạng thiếu chip vốn đã khiến nhiều hãng xe khó khăn trong nhiều tháng trở nên tồi tệ hơn.
THAY ĐỔI TỨC THỜI HAY ĐỔI THAY VĨNH VIỄN?
Giờ đây, các nhà cung cấp cho hãng xe lớn của thế giới tại Việt Nam đã khôi phục sản xuất. Phần lớn người lao động tại nhà máy sản xuất bó dây điện ở Sumitomo Electric Hải Dương đã trở lại làm việc từ tuần thứ 2 của tháng 8. Và đến tuần trước, nhiều hãng sản xuất chip tại Malaysia cũng đã vận hành nhà máy trở lại, Toyota cho biết hãng nhiều khả năng cũng sẽ khôi phục lại sản xuất từng bị suy giảm trước đây từ tháng 10/2021.
Nhiều người đang đặt ra câu hỏi là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng này liệu có tạo ra thay đổi tại nhà máy của Toyota và nhiều nhà sản xuất khác. Toyota đi tiên phong trong mô hình sản xuất tức thời, phương thức sản xuất nhắm đến việc giảm dự trữ hàng đến mức tối đa nhằm tiết kiệm chi phí hết mức.
Nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á do biến chủng delta chỉ diễn ra trong ngắn hạn, chắc chắn sẽ không thay đổi cục diện của chuỗi cung ứng, theo khẳng định của chuyên gia thuộc bộ phận nghiên cứu của Bloomberg, ông Tatsuo Yoshida. Sản xuất trên quy mô lớn hoàn toàn có thể thực hiện được với chỉ một nguồn cung cấp và việc đa dạng chuỗi cung ứng cũng cần đến nhiều thời gian và tiền bạc. Nhiều trung tâm cung ứng đã hình thành tại Đông Nam Á có lý do của nó, đó là bởi quy trình thâm dụng lao động có thể thực hiện theo cách tiết kiệm nhất.
Thế nhưng nếu ảnh hưởng nặng nề hơn, cũng có thể Toyota sẽ hành động. Việc hãng xe này theo dõi sát sao và trữ một số loại phụ tùng có rủi ro thiếu hụt là kết quả trực tiếp từ những gì hãng đã phải trải qua vào thời kỳ động đất sóng thần năm 2011, khi đó hiện tượng thiên nhiên cực đoan đã khiến cho hoạt động của Toyota bị gián đoạn gần 1 năm.