Yêu sư phạm nhưng ngân hàng lại chọn tôi

Yêu sư phạm nhưng ngân hàng lại chọn tôi

Cách đây 11 năm tôi cũng như các bạn Tân sinh viên 2k3 (sinh năm 2003) hiện tại, “lều chõng” đi thi. Ngày ấy tôi đăng ký thi Sư phạm nhưng “duyên phận” lại đưa tôi vào học Tài chính – Ngân hàng. Sau đó, tôi trúng tuyển Chương trình Thực tập sinh tiềm năng của một ngân hàng tại Tp. Hồ Chí Minh. Sự chuyên nghiệp, chu đáo của ngân hàng này đã cho tôi động lực, sự tự tin bước chân vào nghề và gắn bó với ngành Ngân hàng.

Công việc chính quản trị rủi ro tại Hội sở ngân hàng

Hiện tại, tôi đang làm quản trị rủi ro tại Hội sở của một ngân hàng có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh. Công việc của tôi bao gồm viết các quy định nội bộ về tín dụng theo khẩu vị rủi ro của ngân hàng và hỗ trợ các Chi nhánh triển khai, thực hiện. Nghiên cứu và đề xuất các mô hình định lượng quản trị rủi ro; mô hình phán quyết tín dụng. Tham gia triển khai một số dự án về tín dụng với các đối tác bên ngoài. Công việc đòi hỏi tôi phải nghiên cứu sâu các tài liệu chuyên môn, tự học và cập nhật kiến thức mới trong ngành. Vì vậy, tôi tích lũy được một ít vốn kiến thức nhất định.

Giảng dạy vì sở thích, trách nhiệm với xã hội

Để bổ trợ cho công việc, tôi đăng ký học Chương trình Thạc sĩ của một trường Đại học chuyên về kinh tế tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong thời gian viết luận văn tốt nghiệp, tôi có chia sẻ sở thích giảng dạy của mình và may mắn được giảng viên hướng dẫn hỗ trợ, thế là tôi bắt đầu công tác giảng dạy. Tôi cũng tham dự một khóa học ngắn hạn về phương pháp giảng dạy để trang bị thêm kỹ năng, phương pháp sư phạm. Công việc giảng dạy cũng mang nhiều ý nghĩa đối với tôi.

Tôi muốn chia sẻ những kiến thức, kỹ năng và những hiểu biết của mình về nghề ngân hàng đến các bạn sinh viên. Truyền động lực và giúp các bạn bước vào nghề nghiệp mà mình đã chọn một cách đầy tự tin. Nhiều năm làm việc trong ngành, trải qua qua các vị trí chuyên môn từ cán bộ tín dụng, cán bộ thẩm định đến quản trị rủi ro tại các Chi nhánh và Hội sở, tôi hiểu được phần nào đặc thù và yêu cầu công việc cũng như những kiến thức cần trang bị để làm tốt từng vị trí. Bên cạnh việc trao đổi những kiến thức lý thuyết, tôi mong muốn chia sẻ những trải nghiệm thực tế của bản thân với các bạn sinh viên thông qua các môn học mà tôi phụ trách như thẩm định tín dụng, quản trị rủi ro hay nghiệp vụ ngân hàng thương mại. Tôi xem đó là trách nhiệm của bản thân đối với xã hội.

Đối với tôi, giảng dạy không phải là công việc “tay trái” mà thông qua công việc này lại thúc đẩy và bổ trợ nhiều cho công việc tại ngân hàng. Giảng dạy giúp tôi tập luyện được kỹ năng trình bày trước đám đông, truyền tải nội dung một cách cô đọng, dễ hiểu tới người nghe. Việc này rất cần thiết khi tôi thực hiện thuyết trình hoặc bảo vệ một dự án, vấn đề với Ban Lãnh đạo ngân hàng.

Viết báo chủ đề ngân hàng với mong muốn truyền tải kiến thức

Nếu như giảng dạy là công việc vì sở thích, trách nhiệm với xã hội thì đến với công việc viết báo là mong muốn được truyền tải những kiến thức hạn hẹp của bản thân về ngành ngân hàng đến nhiều người hơn. Tôi cũng dành các buổi tối trong tuần để viết về các chủ đề ngân hàng và cộng tác với tạp chí, các báo điện tử. Ngoài ra, tôi cũng tham gia nghiên cứu và viết các bài báo khoa học để cộng tác với các tạp chí khoa học chuyên ngành. Nếu chia sẻ với các bạn sinh viên tôi chỉ mới hỗ trợ được một nhóm đối tượng nhất định thì viết bài và đăng tạp chí giúp tôi chia sẻ được với nhiều người hơn. Các chủ đề cộng tác với các tạp chí cũng gắn liền với chuyên môn làm việc của tôi tại ngân hàng.

Đối với tôi, viết báo cũng không phải là công việc “tay trái” mà thông qua việc phải nghiên cứu những vấn đề cần viết, đặc biệt với bài báo khoa học tôi phải tìm ra được tính mới của chủ đề thì mới được tạp chí duyệt bài. Qua đó, tôi rèn luyện được kỹ năng đọc, phân tích, kỹ năng viết, văn phạm, trình bày ý tưởng, cách viết câu. Việc này bổ trợ trực tiếp cho công việc viết các quy định nội bộ của tôi tại ngân hàng. Ngoài ra, việc phải liên tục nghiên cứu giúp tôi củng cố, cải thiện và bổ sung thêm những kiến thức mới trong lĩnh vực ngân hàng, quản trị rủi ro.

Làm sao để cân bằng?

Tôi sắp xếp công việc một cách “trật tự”, nhất quán không để việc này chiếm dụng thời gian của việc kia. Cũng như, tôi không mang việc này vào thời gian của việc kia. Tôi dành 8 giờ mỗi ngày và tập trung tối đa cho công việc tại ngân hàng, tuyệt nhiên không làm những việc khác để đạt được hiệu sức công việc cao nhất. Công việc giảng dạy tôi sắp xếp vào các buổi tối trong tuần, xen kẽ việc nghiên cứu và viết báo tại nhà. Thứ bảy và Chủ nhật là thời gian giúp tôi tái tạo năng lượng và dành riêng cho người yêu và gia đình mình.

Những công việc mà tôi đang làm vốn dĩ không tách rời nhau mà tạo thành một khối thống nhất, bổ trợ cho nhau. Thời gian 8 giờ mỗi ngày tại ngân hàng là thời gian tôi dung nạp kiến thức. Thời gian giảng dạy tôi chia sẻ lại những kiến thức đã dung nạp từ công việc nếu nội dung phù hợp với chủ đề môn học. Kỹ năng trình bày lại giúp tôi củng cố kỹ năng thuyết trình tại ngân hàng. Viết báo cho các tạp chí tôi lại sử dụng những trải nghiệm, kiến thức làm việc tại ngân hàng. Việc này lại giúp tôi củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng viết của bản thân để đáp ứng cho công việc. Ngoài ra, công việc cũng tạo ra một khoảng thu nhập nhất định.

Lời kết

Đối với tôi, không nên phân chia nghề tay phải, nghề tay trái hay công việc chính, công việc phụ. Nếu chúng ta hiểu được bản thân mình, biết được mình muốn gì, luôn có định hướng, kế hoạch hành động cụ thể, làm việc cống hiến và đam mê thì các nghề/công việc sẽ bổ trợ lẫn nhau và thúc đẩy bản thân không ngừng tiến bộ, phát triển mỗi ngày.

Mời viết bài về NGHỀ TAY TRÁI, những VIỆC LÀM THÊM NGOÀI GIỜ của Banker

Quý độc giả đang và sẽ làm trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có những câu chuyện về “nghề tay trái”, những việc làm thêm ngoài giờ hành chính, vui lòng đóng góp bài viết cho chúng tôi về địa chỉ email: [email protected]

Độc giả có thể gửi dưới dạng bài viết hoặc tóm tắt ý tưởng, câu chuyện của mình, chúng tôi sẽ hỗ trợ biên tập thành bài báo hoàn chỉnh. Và nếu có hình ảnh của cá nhân hay nhân vật mình viết trong câu chuyện, hãy vui lòng gửi kèm bài viết cho chúng tôi.

Ban biên tập cũng sẽ phản hồi ngay các thông tin quý độc giả gửi và chi trả nhuận bút hấp dẫn cho các bài viết được đăng.