Chuyện lạ đời giữa cơn sốt đất: Môi giới sợ giá BĐS tăng quá nhanh, nhà đầu tư dù lãi cả tỷ vẫn ôm hàng quyết không bán ra
Trao đổi với chúng tôi, anh T một trùm môi giới bất động sản khu vực Dương Nội, Nam An Khánh cho biết trong suốt gần 20 năm làm nghề chưa bao giờ anh thấy bất động sản tăng giá mạnh như trong vòng 3 năm vừa qua. Những căn biệt thự, liền kề tại Khu đô thị Dương Nội, Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh…từ 3-6 tỷ nay đã tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 lần.
“Nếu trước kia mỗi tháng sàn của tôi chỉ túc tắc giao dịch 1-2 căn cho khách thì từ hơn 1 năm trở lại đây mỗi tháng ghi nhận trên dưới 10 giao dịch với tổng giá trị lên đến vài trăm tỷ. Thậm chí, có những căn người mua tìm cách mua bằng mọi giá, chấp nhận giá cao hơn mặt bằng chung”, anh T cho biết.
Anh T cho biết thêm: “Trước đây, thị trường túc tắc các sàn phải liên tục đi mời chào khách, tạo thị trường. Thậm chí, bán được căn nào là phải cho lên facebook khoe ngay để tạo hứng khởi cho thị trường. Nhưng thời gian gần đây, giá liên tiếp tăng, khách về tìm nhiều nhưng nguồn hàng khan hiếm. Tôi và nhiều sàn khác không dám làm thị trường mạnh, các giao dịch cũng thực hiện giao dịch âm thầm hơn bởi nếu thấy thị trường tốt quá sẽ có ít nhà đầu tư muốn bán ra khiến nguồn hàng trên thị trường khan hiếm”.
Lý giải điều này, anh T cho biết các sản phẩm biệt thự liền kề tại khu vực này chủ yếu là hàng thứ cấp nằm chủ yếu trong tay các nhà đầu tư có tiềm lực. Một khi thấy thị trường còn tốt, giá còn tiếp tục tăng hầu hết nhà đầu tư đều không muốn bán, họ chấp nhận giữ thêm để chờ tăng giá bởi với biệt thự chỉ cần giá tăng vài nhịp là đã lãi thêm cả tỷ đồng.
“Đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, khi bán ra một sản phẩm họ lại phải tìm được sản phẩm mới để vào tiền. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư bán xong căn biệt thự cả chục tỷ, cầm tiền chưa kịp mua chỗ khác thì lúc ngoảnh đầu quay lại đã thấy hàng cũ của mình tăng thêm cả tỷ. Đây là lý do khiến nhiều người dù đã lãi cả tỷ nhưng vẫn găm hàng không bán ra. Một khi không có hàng từ nhà đầu tư, môi giới các sàn chỉ còn cách ngồi chơi xơi nước hoặc tìm thêm các thị trường khác”, anh T cho biết.
Không chỉ ở khu vực Nam An Khánh, Dương Nội, Geleximco…tình trạng khan hàng bán ra từ các nhà đầu tư cũng xảy ra tại Mê Linh. Chỉ trong vòng 1 năm qua, giá đất nhiều khu vực tại Mê Linh đã tăng lên gần gấp đôi. Đặc biệt, sau khi có thông tin thành lập vùng thành phố Mê Linh – Đông Anh- Sóc Sơn nhiều nhà đầu tư gom hàng đẹp từ trước đều không bán hoặc đòi thách với mức giá cao “ngất ngưởng”.
Anh Tuấn, một môi giới khu vực Mê Linh cho biết: “Anh bám trụ Mê Linh đã 3 năm. Khi thị trường èo uột, nhà đầu tư về mua ít nhưng hàng bán ra rất nhiều. Tuy nhiên, lúc thị trường có nhiều thông tin tốt, nhà đầu tư đổ dồn về đây thì lượng hàng bán ra lại giảm sút. Nguyên nhân bởi nhiều chủ đất có tâm lý găm hàng chờ giá tăng”.
Giải thích hiện tượng nhà đầu tư găm hàng trên thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết hiện này dòng tiền trên thị trường rất lớn. Tiền từ chứng khoán, tiền từ sản xuất kinh doanh không tái đầu tư được do dịch Covid, tiền rẻ từ ngân hàng đều đổ vào bất động sản. Chính vì thế đẩy giá đất tăng lên liên tục mà không có hiện tượng quay đầu giảm.
“Nhiều nhà đầu tư một khi đã chọn được hàng đẹp, họ thường có tâm lý găm hàng khi thấy thị trường vẫn đang tốt. Thị trường càng tăng giá tâm lý giữ hàng càng phổ biến. Đây là lý do khiến nhiều thị trường đất ven đô Hà Nội dù nóng, giao dịch không nhiều nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hàng”, ông Đính nhận định.