Giá vàng liên tục lập ‘đỉnh’, người mua vẫn thờ ơ
Sức mua không đột biến
Từ giữa tháng 6/2020 đến nay, giá vàng đã liên tục tăng. Phiên giao dịch ngày 5/7, giá vàng thế giới đạt mốc 1.775 USD/ounce. Giá vàng miếng trong nước được Công ty Phú Quý niêm yết vàng miếng SJC ở mức 49,52 – 49,74 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức giá này tăng 220.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 140.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch hôm qua. Cùng chiều hướng tăng mạnh, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 49,57 – 49,72 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng hiện nay cao tương đương giá vàng thời điểm “sốt” ở đầu năm 2020 và đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước áp sát mức 49 triệu đồng, thị trường vàng gần như lên cơn sốt khi người người xếp hàng chờ mua vàng. Chênh lệch mua – bán cũng bị kéo giãn lên mức hàng triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường vàng vẫn “nguội” dù các công ty vàng đã thu hẹp chênh lệch giá mua – bán để kích thích sức mua.
Theo các chuyên gia, có diễn biến ngược trên thị trường hiện nay vì người dân tranh thủ khi giá vàng cao họ bán dẫn đến công ty vàng phải thu hẹp giá mua – bán để kích thích sức mua, qua đó giúp tăng thanh khoản nhằm có lượng tiền mặt xoay vòng. Trong bối cảnh giá vàng thế giới leo thang do kết hợp từ nhiều kênh thông tin chính sự, giá vàng trong nước cho thấy đà tăng bứt tốc, mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua.
Giá vàng có thể lên đến 55 triệu đồng/lượng?
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, vàng là “hầm trú ẩn” tài chính an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay. Ông Hiếu dự báo, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp thì giá vàng thế giới có thể đạt mốc 1.800 USD/ounce; giá vàng trong nước có thể lên tới 55 triệu đồng/lượng.
Phải “dự trữ” khối lượng tiền mặt lớn để mua lại lượng vàng đã bán ra trước đây không chỉ xảy ra với các tiệm vàng nhỏ mà diễn ra với cả công ty kinh doanh vàng lớn.
Tại đại hội cổ đông thường niên được tổ chức vừa qua, đại diện PNJ cho biết, họ phải dự trữ khối lượng tiền mặt lớn phòng trường hợp khách hàng đã mua vàng trước đây bán ra. Điều này khiến chi phí lãi vay của PNJ tăng thêm 50 tỷ đồng, nhưng phải chấp nhận vì vàng miếng là tiền. Nếu kinh tế khó hơn, người ta sẽ tăng bán vàng nên công ty có sẵn tiền để mua lại lượng vàng của người dân.