Tỉnh duy nhất giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%

Tỉnh duy nhất giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư được tỉnh quan tâm chỉ đạo khẩn trương hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư ngay từ đầu năm trong tất cả các khâu: Từ lập, thẩm định, phê duyệt, đến hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư, sớm ổn định sản xuất và đời sống, an cư lạc nghiệp.

Để đảm bảo tiến độ, hiệu quả vốn đầu tư công, tỉnh Tiền Giang đã nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, thực hiện đúng quy định, lựa chọn kỹ càng, kiểm soát chặt chẽ thi công và tiến độ. Qua đó, tỉnh đã phát huy hiệu quả các dự án đầu tư công trong đời sống xã hội. Tiền Giang luôn tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, tỉnh tích cực trong việc phát hiện, xử lý sai phạm, tránh thất thoát, lãng phí.

Trong năm 2021, tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư vào các dự án quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tỉnh đã tạo được động lực liên kết các vùng, tiểu vùng nhằm tạo sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Năm 2021, tỉnh đã huy động tổng vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước trên 3.853 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt trên 2.973 tỷ đồng. Đến hết năm 2021, tỉnh đã giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công.

Bên cạnh việc nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công xuất sắc đạt 100%, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều giải pháp theo từng thời điểm, nhằm giảm bớt thiệt hại cho nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội vượt qua khó khăn. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 đạt khoảng 58.865 tỷ đồng (tính theo giá so sánh năm 2010), giảm nhẹ 0,72% so với năm 2020.

Nếu tính theo giá thực tế GRDP đạt 100.315 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 56,4 triệu đồng/người/năm tương đương 2.405 USD/người/năm, tăng 0,3 triệu đồng/người/năm tương đương khoảng 41 USD so năm 2020.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 tăng 2,83% so với năm 2020. Tiền Giang đã hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2021 dưới 4%, trong bối cảnh tỉnh cùng với cả nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19 kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch chậm nhưng theo đúng định hướng mà tỉnh đã đặt ra. Cụ thể, năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,6%, giảm 0,2%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26,9%, tăng 0,7%; khu vực dịch vụ chiếm 28,7%, giảm 0,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,8%, giảm 0,3% so với năm 2020.

Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.151 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.951 triệu USD, đạt 90,8% kế hoạch, giảm 3,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.800 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,6% so với năm 2020.