CEO Nguyễn Thị Như Loan: Nếu bây giờ bán Phước Kiển chắc chắn rất nhiều người mua, nhưng QCGL không bán lúa non vì đã phải cầm cự đến hôm nay
Chiều ngày 31/12/2021, Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, chính thức thông qua kế hoạch kinh doanh tại ngày cuối cùng của năm 2021 với doanh thu 1.000 tỷ đồng – giảm 46% và lãi trước thuế 100 tỷ đồng, giảm 22% so với kết quả trong năm 2020.
QCG đánh giá tiềm năng ngành bất động sản Việt Nam vẫn còn rất lớn, đặc biệt tại quận huyện đang trở thành xu hướng cho nhà đầu tư và nhiều người dân có nhu cầu an cư. Hiện, Công ty cho biết đang có những quỹ đất tại các quận huyện thuộc Tp. HCM như Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức… Theo đó, định hướng sẽ tập trung triển khai ở những khu vực này và khu vực tỉnh thành lân cận đã có hệ thống hạ tầng kết nối thuận lợi với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày phù hợp với nhu cầu của người dân trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Dù vậy, vẫn có nhiều thách thức, cụ thể là dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay và vẫn đang diễn biến phức tạp với các biến chủng mới, gây áp lực lớn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như đời sống của người dân. Chưa kể, tâm lý tiêu dùng tại Việt Nam còn chưa ổn định, người dân sẽ tiếp tục tâm lý e ngại, chủ yếu chi tiêu ở mức cần thiết, vào các nhu cầu thiết yếu.
Mặt khác, quy hoạch quản lý đô thị còn bất cập, phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống pháp lý bất động sản (BĐS) còn chưa đồng bộ về các Luật, nhất là các vấn đề liên quan đến đất công. Trong khi Ngân hàng Nhà nước ban hành về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với cho vay bất động sản, kiểm soát cho vay tiêu dùng BĐS, kiểm soát room tín dụng… đã và sẽ tiếp tục làm cho việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn; Ngân hàng thương mại sẽ có nhiều cơ sở để dồn ép các doanh nghiệp BĐS cả về điều kiện và lãi suất.
Một trong số đó là sự vụ Phước Kiển vướng phải pháp lý nhiều năm không tháo gỡ được, đẩy QCG vào tình thế khó khăn. Tiếp tục chia sẻ với cổ đông tại Đại hội năm nay, bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng Giám đốc QCG cho biết: “Không phải mình không đền bù mà giá người dân đòi cao, QCG không thể chấp nhận được. Còn giấy phép cũng đã rút, và Công ty nếu làm cũng phải làm lại từ đầu. Hiện, dự án chỉ được chấp thuận mặt bằng nhưng chưa chấp thuận đầu tư dự án, do thay đổi về chính sách. Do đó, QCG nếu làm dự án đó thì phải trả lãi trong khi không biết khi nào xong thủ tục, hành lang pháp lý nhiều năm nay vẫn dậm chân”.
Bà cũng cho biết, dự kiến sau này khi thủ tục pháp lý quay lại, tức cả thị trường BĐS Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng trơn tru, thì QCG có trả hàng trăm tỷ lãi vay, trả bao nhiêu đền bù… cũng không quan trọng, vì mình bán được và có thể bán giá cao.
“Như vậy, đây có thể được xem là tài sản của QCG, và tôi cảm thấy tự hào vì mình có thể cầm cự được đến hôm nay. Trong kinh doanh, tinh thần rất quan trọng”, bà nói thêm.
Liên quan về vụ kiện với Sunny, phía QCG cho biết có thể sau Tết Nguyên đán mới có phán quyết chính thức từ VIAC. Hiện Sunny đầu tư 2.800 tỷ, nếu mình sai thì theo Hợp đồng quy định đền 4.200 tỷ, nếu Sunny sai thì QCG trả khoảng 1.400 tỷ.
“Về tình QGC cũng muốn trả lại số tiền cho Sunny, vì mình cũng đã xài tiền của người ta. Nhưng Sunny đòi chia đất, thì thực sự rất khó nên hai bên phải ra toà. Hiện nếu Phước Kiển bán lúa non sẽ rất nhiều người mua, nhưng Công ty không nỡ vì đã đeo đuổi mười mấy năm rồi, không cần phải bán lúa non. Chưa kể, QCG cũng muốn giải quyết ổn thoả với Sunny.
Đến bây giờ tôi mới thấy tôi đúng. Và QCG dám khẳng định không còn áp lực dòng tiền nữa. Sau này nếu có làm thì chỉ kêu người vào cùng làm chứ không có bán, vì đây là dự án sữ đem lại lợi nhuận rất lớn cho Công ty”, bà Loan nhấn mạnh.
Song song, QCG cũng hứa hẹn năm 2022 sẽ chia cổ tức trở lại. Kết thúc 9 tháng đầu năm, QCG đạt 774 tỷ đồng doanh thu và 53 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện hơn 77% và 53% chỉ tiêu.