New York Times: Căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng trầm trọng, nguy cơ chiến tranh lạnh được ‘thổi phồng’

New York Times: Căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng trầm trọng, nguy cơ chiến tranh lạnh được ‘thổi phồng’

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã đến ngưỡng gay gắt nhất kể từ khi 2 nước bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao từ hơn 4 thập kỷ trước, khi chính phủ Mỹ bất ngờ ra lệnh Trung Quốc phải đóng cửa lãnh sự quán tại Houston vào ngày 22/7.

Về vấn đề quân sự, thương mại, công nghệ, nhân quyền và những yếu tố khác, những động thái cộng với sự đáp trả qua lại giữa 2 bên đã ngày càng trở nên căng thẳng hơn dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, dù ông cũng nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thậm chí, chính quyền ông Trump còn đang cân nhắc lệnh cấm 92 triệu thành viên đảng Cộng sản Trung Hoa di chuyển đến Mỹ và có thể trục xuất bất kỳ đảng viên nào đang ở Mỹ. Đây là một động thái có thể thúc đẩy sự trả đũa trong hoạt động đi lại và cư trú giữa 2 nước.

Orville Schell – giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ Mỹ – Trung Quốc tại Asia Society, nhận định: “Tôi cho rằng chúng ta đang ở trong một vòng xoáy nguy hiểm và xảy ra với tốc độ nhanh chóng, mà không có kỹ năng ngoại giao thích hợp nào để nắm bắt.” Ông cho biết, mức độ nghiêm trọng của cuộc đối đầu đã “rơi từ những thách thức cụ thể và có thể giải quyết để trở thành một cuộc xung đột về hệ thống và giá trị.”

Craig Allen – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ – Trung, cho biết ông đã rất lo ngại trước quy mô ngày càng tăng của 2 cường quốc lớn mạnh nhất thế giới chiếm tổng cộng 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Allen nói: “Nếu chúng ta to tiếng với nhau và đóng mọi cánh cửa, thì thế giới này rất không ổn định và các doanh nghiệp cũng không thể lên kế hoạch ứng phó.”

Dưới đây là những vấn đề đã xảy ra trong một vài năm qua, khiến những căng thẳng giữa 2 nước ngày càng trầm trọng:

Đại dịch Covid-19 và phân biệt chủng tộc

Tổng thống Trump và các cộng sự đã đổ lỗi cho Trung Quốc về việc khiến Covid-19 lây lan – dịch bệnh xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán. Ngoài ra, chính quyền ông Trump cũng nhiều lần nhắc đến tên của loại virus này là “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc” hay “KungFlu”.

Vào ngày 4/7, ông Trump cho biết “Trung Quốc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”. Hơn nữa, ông cũng đe dọa sẽ cắt đứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cáo buộc họ đã không khắc phục những thiếu sót ban đầu của Trung Quốc khi dịch bệnh mới bùng phát. Hôm thứ Ba, Bộ Tư pháp Mỹ cũng cáo buộc tin tặc Trung Quốc cố gắng đánh cắp thông tin nghiên cứu vắc-xin chống Covid-19 của nước này.

Về phần mình, Trung Quốc đã bác bỏ các lời cáo buộc trên và chỉ trích chính phủ Mỹ phản ứng quá hời hợt với dịch bệnh. Một số ý kiến ở nước này còn lập luận rằng nguồn gốc của Covid-19 có thể xuất hiện trong chuyến thăm Vũ Hán của lính Mỹ vào tháng 10 năm ngoái, dù không có bằng chứng.

Quan hệ thương mại

Năm 2016, ông Trump đắc cử một phần nhờ vào lập luận rằng Trung Quốc đang lợi dụng mối quan hệ thương mại với Mỹ bằng cách bán hàng hóa nhiều hơn số họ mua. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã tuyên bố áp thuế quan trừng phạt với hàng hóa Trung Quốc và chính quyền ông Tập cũng trả đũa. Kết quả là cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn 2 năm. Dù thỏa thuận “ngừng bắn” được tuyên bố hồi tháng 1, sau đó là thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng hầu hết các mức thuế đều không được nới lỏng.

Mâu thuẫn trên Biển Đông

Chính quyền ông Trump ngày càng thể hiện sự căng thẳng hơn đối với việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát trên Biển Đông. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ – Mike Pompeo, đã tuyên bố hầu hết động thái của Trung Quốc trên Biển Đông là “hoàn toàn trái pháp luật”. Theo đó, đây có thể trở thành yếu tố thúc đẩy cuộc đối đầu về quân sự giữa 2 nước ở Thái Bình Dương.

Cuộc chiến về công nghệ

Từ lâu, Trung Quốc đã bị Mỹ cáo buộc ăn cắp công nghệ. Xung đột về vấn đề này leo thang sau khi Mỹ đưa công ty công nghệ lớn nhất đại lục – Huawei, vào danh sách đen. Theo đó, Mỹ gọi đây là mặt trận cho những nỗ lực xâm nhập vào cơ sở hạ tầng viễn thông của các quốc gia khác để giành lợi thế chiến lược của Trung Quốc.

Từ tháng 12/2018, CFO của Huawei – Mạnh Vãn Chu, đã bị giam giữ tại Canada và đối mặt với yêu cầu dẫn độ của Mỹ về tội gian lận. Trong khi đó, tuần trước, Anh cũng tuyên bố đứng về phía Mỹ, khi loại bỏ các sản phẩm của Huawei khỏi kế hoạch phát triển mạng không dây tốc độ cao.

Trục xuất nhà báo và các nhân viên truyền thông

Cáo buộc các cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc thực hiện những biện pháp tuyên truyền, chính quyền Tổng thống Trump đã mạnh tay hạn chế số lượng công dân Trung Quốc có thể làm việc cho các cơ quan thông tấn Trung Quốc tại Mỹ. Theo đó, Trung Quốc đã trả đũa bằng việc trục xuất các nhà báo của New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, thực hiện những bước gây trở ngại cho các nhà báo đang làm việc tại đây.

Trục xuất sinh viên

Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra những bước để hủy thị thực của hàng nghìn sinh viên và nghiên cứu sinh của Trung Quốc tại Mỹ, theo nguồn tin thân cận. Động thái này cho thấy hoạt động giáo dục có thể bị hạn chế nhiều hơn nữa và chính phủ Trung Quốc cũng có thể trả đũa bằng cách áp dụng lệnh cấm visa đối với người Mỹ.

Vấn đề ở Hồng Kông

Tháng 11 năm ngoái, với sự ủng hộ của lưỡng đảng, ông Trump đã ký ban hành luật có thể trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông – những người việc cản trở quyền tự chủ của thành phố này. Tháng 5 vừa rồi, Tổng thống Trump cho biết ông đã thực hiện các bước để hủy bỏ chế độ đặc biệt của Mỹ với Hồng Kông thông qua luật an ninh mới. Theo đó, chính quyền Trung Quốc đã lên án động thái trên và tuyên bố sẽ trả đũa.

Vấn đề nhân quyền ở Tân Cương

Trong tháng này, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số quan chức Trung Quốc về việc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Sau đó, Bắc Kinh cho biết sẽ trả đũa các tổ chức và cá nhân Mỹ mà họ cho rằng đã can thiệp quá mức vào các vấn đề ở Tân Cương.

Tham khảo New York Times