“Thần chứng khoán” Warren Buffett mách 3 tư duy phát tài nhờ nghề tay trái, đảm bảo kiến bộn tiền hơn cả công việc chính
Vậy nên làm gì bây giờ? Giải pháp cho nhiều người đó là đi làm thêm một công việc phụ.
Nói vậy không có nghĩa là bắt bạn phải đi phát tờ rơi sau giờ làm việc hay chạy taxi, vì chúng ta không phải mình đồng da sắt.
Đúng như Warren Buffett đã nói, bạn phải tìm ra một phương pháp có thể “kiếm tiền trong khi đang ngủ” để giải quyết vấn đề!
Nếu như trong nhất thời bạn chưa có ý tưởng nào, vậy thì hãy cùng Cafebiz học vài chiêu từ Warren Buffett, từ đó làm cho thời gian của bạn có giá trị hơn, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Warren Buffett cũng có một công việc phụ?
Như chúng ta đã biết, Warren Buffett là một người giàu có tầm cỡ thế giới, với tỷ suất sinh lợi hàng năm trên 20%, ông được thế giới gọi là “thần chứng khoán”.
Tuy nhiên, bản thân ông cũng nói rõ rằng: “Ngành kinh doanh chính của tôi không phải là cổ phiếu.”
Tầm nhìn của ông trong việc lựa chọn công ty rất chính xác. Ông ấy luôn có thể từ trong hàng loạt ứng viên chọn ra công ty có triển vọng tốt nhất và phát triển nhất. Như vậy mới có thể giúp bản thân kiếm được tiền ngay cả khi đang ngủ.
Đối với những người “nhất định phải có nghề tay trái” thì hiểu được điều này là rất quan trọng.
Chỉ có bắt đầu từ những lợi thế của riêng bạn rồi sau đó tập trung tối đa hóa những lợi thế đó thì bạn mới có thể thu được lợi nhuận vượt mức dài hạn trong tương lai.
Sau đây là 3 lối tư duy “định vị lợi thế” của Warren Buffet, rất đáng để những người “trung niên mong muốn chuyển mình” tham khảo.
Lối tư duy thứ nhất: Nhận biết thương hiệu
Trong hai năm trở lại đây, việc viết lách bán thời gian cực kỳ phổ biến, nhiều người nói rằng đó là nghề tay trái “tiết kiệm chi phí nhất”.
Nhưng bạn có bao giờ đặt ra nghi vấn rằng: Tại sao nhìn thấy người khác hầu như chẳng cần động tay động chân gì nhiều mà vẫn kiếm được bộn tiền và cả tiền thưởng, còn bản thân thì hì hục viết hết nửa ngày trời nhưng thu nhập chỉ có vài ba đồng lẻ chưa?
Sự khác biệt ở đây chính là nằm ở thương hiệu.
Nói cách khác, khi bạn muốn phát triển một nghề tay trái nào đó thì bạn phải luôn có ý thức về việc “xây dựng thương hiệu”.
Warren Buffett thường đề cập đến một ví dụ về sô cô la See’s:
Bạn đến cửa hàng để mua sô cô la See’s, nhưng tiếc là họ vừa bán hết. Sau đó, nhân viên bán hàng giới thiệu cho bạn một loại sô cô la hiệu khác, vậy bạn có mua nó không? Tôi e rằng bạn thà bước thêm vài bước để mua sô cô la See’s ở một cửa hàng khác.
Một thương hiệu tốt có thể mang lại quyền định giá cho một công ty và đối với cá nhân cũng vậy. Đây chính là giá trị của thương hiệu.
Hơn nữa, hầu hết mọi người không có sự bảo chứng thương hiệu của công ty trong các hoạt động kinh doanh phụ của họ, vì vậy họ càng phải cần tự xây dựng cho mình một thương hiệu riêng.
Tương tự như vậy, tài khoản viết lách chính là thương hiệu riêng của bạn.
Nếu như hôm nay bạn viết về đề tài công sở, ngày mai lại viết về giáo dục con cái, ngày mốt thì chuyên về giải trí, như vậy sẽ rất khó để xây dựng một thương hiệu, đương nhiên thu nhập cũng sẽ không tốt. Chưa kể đến những người viết bản thảo xong rồi, chưa ký tên mà đã trực tiếp bán cho đơn vị thu mua thì lại càng tự hạ thấp giá trị của mình hơn nữa.
Xây dựng thương hiệu không chỉ cần có chất lượng bên trong mà còn phải trình bày sự chuyên môn ra cả bên ngoài.
Nếu không có thương hiệu, bạn sẽ mãi bị mắc kẹt trong hố sâu “cày một phút, thu hoạch một phút”.