Vụ Evergrande: Không phải bom nợ, đây mới là thứ khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an nhất

Vụ Evergrande: Không phải bom nợ, đây mới là thứ khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an nhất

Khi các bong bóng tài sản phát nổ, có 1 kịch bản thường thấy sẽ xảy ra. Những kẻ đầu cơ đã đi quá xa và giá cả bị thổi phồng trước khi các quy tắc tài chính thiết lập lại trật tự và bong bóng phát nổ. Sau đó các chính phủ sẽ xem xét can thiệp để bảo vệ lợi ích của công chúng hoặc sẽ quyết định giải cứu 1 công ty nếu thuộc dạng “quá lớn để sụp đổ” (too big too fail).

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngày càng lớn dần lên xung quanh Evergrande, tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới, lại đang đi theo một hướng hoàn toàn khác.

Thực chất thì tình trạng nợ nần của Evergrande không phải là vấn đề mới đối với thị trường. Từ đầu năm nay cổ phiếu và trái phiếu do Evergrande phát hành đã giảm giá mạnh vì tình hình tài chính bết bát của công ty. Tuy nhiên vì sao cho đến hôm qua nhà đầu tư mới hoảng loạn và tạo ra cơn bán tháo bao trùm khắp thế giới, trên mọi loại tài sản?  

Chiến dịch siết chặt quản lý lĩnh vực bất động sản của Bắc Kinh mới là thứ quan trọng nhất. Và sự bất an mà chính Evergrande, các chủ nợ của tập đoàn và cả các nhà đầu tư đang cảm thấy sẽ không thể dịu đi trước khi Bắc Kinh chính thức quyết định đã đến lúc phải can thiệp.

“Các nhà đầu tư đang tự hỏi ngưỡng chịu đựng của Bắc Kinh sẽ lên đến đâu. Nền kinh tế sẽ giảm tốc đến đâu thì các nhà lãnh đạo mới lật ngược thế cờ và nới lỏng kiểm soát ngành bất động sản?”, Logan Wright, giám đốc công ty tư vấn Rhodium Group nói.

Nhưng Wright cũng bổ sung thêm rằng có lẽ cột mộc đó còn xa. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ chờ đợi những tín hiệu thực sự cho thấy toàn hệ thống tài chính đang bị đe dọa thay vì vội vàng hành động.

Evergrande nợ hơn 300 tỷ USD và có 778 dự án cần phải hoàn thành tại 223 thành phố. Tuy nhiên, có một số cột mốc mang ý nghĩa quan trọng hơn. Liệu Evergrande có thể hoàn trả 129 triệu USD tiền lãi trên số trái phiếu sẽ đáo hạn trong tháng này, cùng với 850 triệu USD khác sẽ đáo hạn từ nay đến cuối năm? Liệu các trái chủ có được ưu tiên hơn so với hàng chục nghìn nhà đầu tư đã mua các sản phẩm quản lý tài sản của Evergrande vì ham lãi suất cao?

Tất nhiên, với hệ thống ngân hàng được thống trị bởi các ngân hàng quốc doanh, Bắc Kinh có tầm ảnh hưởng rất lớn và có thể ra lệnh giải cứu Evergrande bất cứ lúc nào. Nhưng hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng Bắc Kinh đang muốn lấy Evergrande làm bằng chứng sống cho thấy chính phủ đang thực sự nghiêm túc về “3 lằn ranh đỏ” đã được vạch ra từ năm ngoái. Mục tiêu cuối cùng là giảm mức nợ cũng như giảm tình trạng dư thừa nguồn cung nhà ở đã kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, rõ ràng là Bắc Kinh cũng không thể đi quá xa. Với lĩnh vực bất động sản đóng góp tới 29% GDP, một công ty lớn như Evergrande đổ vỡ sẽ khiến cả ngành lao đao và dập tắt đà hồi phục hậu Covid-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bắc Kinh đang đứng trước một bài toán siêu khó: cần phải chịu đau đủ để chứng tỏ quyết tâm làm sạch thị trường nhưng cũng không thể để nỗi đau quá lớn, lớn đến nỗi khiến một trong những cỗ máy quan trọng nhất của nền kinh tế ngừng quay.

Tham khảo Financial Times