Chỉ là khi có thể, vì sao chúng ta lại ngại nói hai chữ cám ơn?
Chuyện kể rằng, có một du khách nhìn thấy cụ bà đang đứng bên bờ một dòng suối sâu sau một trận mưa lớn. Trông bà ấy có vẻ rất lo lắng và bất đắc dĩ phải băng qua nó.
Anh ta tiến lại gần và hỏi bà lão: “Bà ơi, bà có muốn con cõng bà vượt suối không?”.
Sau phút gây ngỡ ngàng, bà lão khẽ gật đầu. Người du khách trẻ cõng bà băng qua suối, anh dần đuối sức vì dòng nước xoáy. Sau khi sang bờ bên kia, bà lão vội vội vàng vàng rời đi, không nói lời cảm ơn nào.
Vị du khách rã rời vì đuối sức nên có chút hối tiếc vì giúp đỡ bà lão ấy. Anh không mong cầu bà báo đáp, nhưng thầm nghĩ rằng chí ít thì bà cũng nên nói với anh đôi lời bày tỏ sự cảm kích.
Vài giờ sau, du khách này đi tới vùng núi. Đó là một hành trình đầy gian nan, chân của anh bị côn trùng cắn sưng tấy. Lát sau, trên đường đi, có một thanh niên bắt kịp theo anh và nói: “Cảm ơn anh đã giúp bà tôi. Bà bảo anh sẽ cần những thứ này và muốn tôi mang chúng đến cho anh.”
Nói đoạn, cậu ấy lấy ra một ít thức ăn và thuốc men trong túi ra. Hơn nữa anh còn dắt thêm một con lừa và giao nó cho du khách tốt bụng. Vị du khách không ngừng nói cảm ơn anh thanh niên.
Sau đó người thanh niên này nói tiếp: “Bà của tôi không nói được, cho nên bà muốn tôi thay mặt bà cảm ơn anh!”.
Đọc tới đây, không ít người ồ lên kinh ngạc. Hoá ra không như người ta nghĩ, rằng bà lão vô tâm, lạnh lùng bỏ đi khi được giúp đỡ và không nói lời cảm ơn. Có lẽ, tận sâu trong lòng, bà rất muốn nói lời cảm kích với chàng thanh niên.
Câu chuyện khiến chúng ta nhận ra bài học, biết ơn, trả ơn là điều cần thiết trong cuộc sống. Khi nhận được sự giúp đỡ của người khác hãy biết nói lời cảm ơn vì họ đã giúp đỡ mình, lòng biết ơn của bạn sẽ làm cho lòng tốt được nhân lên trong cuộc sống. Những người trao đi lòng tốt cũng cảm thấy xứng đáng hơn. Khi còn có thể nói lời cảm ơn, bằng lời nói hay hành động, hãy thực hiện điều đó ngay, để sau này không phải nuối tiếc.