Lâm Đồng yêu cầu Tp.Đà Lạt, Bảo Lộc rà soát các quy hoạch xây dựng
Đề nghị này được đưa ra sau khi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ ra nhiều kẻ hở trong công tác lập, quản lý quy hoạch.
Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc rà soát tất cả các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn; tổng hợp cụ thể tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch, nêu rõ các quy hoạch đã triển khai thực hiện, tiến độ thực hiện đến thời điểm hiện nay; xác định cụ thể các quy hoạch đang triển khai thực hiện, các quy hoạch chưa triển khai thực hiện;
Sở cũng yêu cầu nêu rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan; kiến nghị, đề xuất và đề ra các giải pháp, thời hạn thực hiện đối với từng đồ án quy hoạch trong thời gian tới để triển khai thực hiện các quy hoạch đúng quy định, hiệu quả, không để quy hoạch “treo”, gây lãng phí nguồn lực đất đai, khó khăn cho người dân trong khu vực quy hoạch.
Sở Xây này cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc rà soát, tổng hợp đầy đủ nội dung, số liệu và báo cáo theo yêu cầu tại Kế hoạch số 258/KH-ĐĐBQH ngày 22/11/2021 của Đoàn Đại biểu Quốc hội về “thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh”.
Việc tổng hợp, báo cáo phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của nội dung báo cáo như kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan…
Trước đó, ngày 21/1/2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo giám sát chuyên đề (số 04) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Theo đó, Đoàn Đại biểu chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế về công tác quy hoạch tại tỉnh Lâm Đồng, như hầu hết các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành chưa được phê duyệt.
Nhất là, tính từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập, thẩm định quy hoạch tỉnh (ngày 15/6/2021), đến nay đã hơn 6 tháng, nhưng quy hoạch tỉnh chỉ ở bước lựa chọn đơn vị tư vấn là chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng còn chỉ ra chất lượng của một số đồ án còn chưa cao, chưa đảm bảo tính kế thừa trong dự báo, định hướng phát triển, tiến độ triển khai lập quy hoạch còn chậm so với kế hoạch đề ra; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng chưa được phủ kín, gây ảnh hưởng đến việc quản lý, đầu tư xây dựng và giải quyết các nhu cầu của người dân.
Đáng chú ý, qua xem xét hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt và huyện Đức Trọng, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhận thấy một số kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa đúng với quy hoạch sử dụng đất. Thế nhưng, trong hồ sơ ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng lại cho phép “cập nhật các công trình dự án tại các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất các năm 2016, 2017, 2018, 2019” vào điều chỉnh quy hoạch là chưa chặt chẽ.