Người hay chuyển khoản ngân hàng chú ý: 2 trường hợp chuyển nhầm và cách đòi lại tiền nhanh nhất

Người hay chuyển khoản ngân hàng chú ý: 2 trường hợp chuyển nhầm và cách đòi lại tiền nhanh nhất

Chuyển tiền trên Internet banking, Mobile banking, cây ATM là những dịch vụ rất phổ biến ngày ngay. Tuy nhiên việc gửi tiền qua các hình thức này cũng dẫn đến các rủi do về việc chuyển nhầm số tài khoản, sai tên người thụ hưởng. Nhiều chủ tài khoản không biết phải xử lý như thế nào để có thể lấy lại tiền do việc chuyển nhầm gây ra. 

Mới đây, trên fanpage của mình, ngân hàng Vietcombank cho biết, sau khi khách hàng lập lệnh chuyển khoản sang ngân hàng khác thông qua kênh Ngân hàng trực tuyến VCB Digibank thành công, Vietcombank sẽ tạo điện gửi sang Ngân hàng hưởng theo yêu cầu của khách. Nếu lệnh giao dịch được lập thành công trước 15h30 hàng ngày: Vietcombank sẽ xử lý lệnh chuyển tiền ngay trong ngày. Nếu lệnh giao dịch được lập thành công sau 15h30 hoặc vào ngày nghỉ, ngày lễ: Vietcombank sẽ xử lý chuyển lệnh vào ngày làm việc tiếp theo gần nhất. Khi nhận được điện Ngân hàng hưởng sẽ kiểm tra thông tin trên điện, nếu các thông tin người hưởng khớp đúng thì tiền sẽ được hạch toán theo yêu cầu của điện chuyển tiền. Thời gian hạch toán tùy thuộc vào quy định của Ngân hàng hưởng.

Đối với trường hợp thông tin chuyển khoản có sai sót, Ngân hàng hưởng đang chờ tra soát điều chỉnh thì khách hàng cần mang chứng minh nhân dân đến điểm giao dịch bất kỳ của Vietcombank yêu cầu điều chỉnh chuyển Ngân hàng hưởng. 

Đối với trường hợp xác định chuyển nhầm (đúng số tài khoản, đúng tên tài khoản nhưng muốn đòi lại), khách hàng mang Chứng minh nhân dân đến điểm giao dịch bất kỳ của Ngân hàng để lập tra soát yêu cầu hoàn trả. Vietcombank sẽ tiếp nhận thông tin để chuyển tới Ngân hàng hưởng. Việc xử lý tra soát yêu cầu hoàn trả do chuyển khoản nhầm sẽ theo qui trình hiện tại của Ngân hàng hưởng. 

Được biết, sau khi tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, các ngân hàng sẽ hỗ trợ liên hệ với người nhận tiền, động viên họ trả lại. Trường hợp người nhận tiền không trả thì ngân hàng sẽ có văn bản thông báo xác nhận việc chuyển nhầm tiền. Khi đó, người chuyển tiền có thể tố cáo người nhận tiền với cơ quan công an hoặc khởi kiện lên tòa án.

Được biết, nếu là người nhận được tiền, biết là chuyển nhầm nhưng không trả lại và tự ý sử dụng tiền sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo Điều 597, Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người nào chiếm hữu hay người nào sử dụng tài sản của người khác mà xác định đó không phải là tài sản của họ thì phải tiến hành hoàn trả lại cho chủ sở hữu của khối tài sản đó. Trường hợp không tìm được chủ sở hữu thì tiến hành việc giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trông giữ, bảo quản. Trừ trường hợp được quy định trong điều 236 Bộ luật dân sự 2015. Người nào được lợi về tài sản mà xác định được khối tài sản đó không phải của họ và đồng thời làm cho chủ sở hữu khối tài sản đó bị thiệt hại thì phải tiến hành hoàn trả lại khoản lợi đó cho người bị thiệt hại. Trừ trường hợp được quy định trong điều 236 Bộ luật dân sự 2015”.

Người nào có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng và tịch thu số tiền vi phạm theo quy định tại Điểm e Khoản 2 và Khoản 3 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 với mức xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.