Cảng hàng không quốc tế – Sức bật kinh tế cho Thọ Xuân
Chiến lược từ “nút giao hàng không”
Việc quy hoạch Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Bộ Giao thông vận tải thông qua theo Quyết định số 1136/QĐ-BGTVT. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, sân bay Thọ Xuân định hướng là cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị – thay thế cho Cảng HKQT Nội Bài, đạt cấp sân bay 4E, công suất ước đạt 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm.
Chiến lược phát triển Cảng HKQT Thọ Xuân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tầm nhìn phát triển kinh tế chung của Thanh Hoá, đặc biệt trong bối cảnh vận tải hàng không ngày càng được chú trọng. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, sân bay quốc tế Thọ Xuân có thể mang về hàng chục tỷ USD doanh thu từ cước vận tải.
Tại nhiều quốc gia, các sân bay quốc tế sau khi đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, trở thành đầu mối kết nối giao thông, vận chuyển hành khách và hàng hóa giá trị cao, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xuất khẩu, du lịch, kho bãi… tạo ra vùng phát triển đô thị rộng lớn. Không nằm ngoài xu thế đó, thời gian qua, rất nhiều đoàn khảo sát từ các quốc gia hàng đầu về công nghiệp điện tử, công nghệ cao đã liên tục ghé thăm và ngỏ ý hỗ trợ thu hút nguồn vốn tại Thanh Hóa, đơn cử như trong quý II/2021, UBND tỉnh Thanh Hoá đã đón đoàn khảo sát đầu tư đến từ Nhật Bản đến trao đổi, làm việc.
Phát triển hệ kinh tế sân bay hàng chục tỷ USD với Lam Sơn – Thọ Xuân làm trung tâm