Iran từng thiệt hại nặng khi bị loại khỏi SWIFT, Nga thì sao?

Iran từng thiệt hại nặng khi bị loại khỏi SWIFT, Nga thì sao?

Mỹ và các nước phương Tây mới đây đã nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

“Chúng tôi cam kết rằng những ngân hàng Nga được xác định sẽ bị ngắt kết nối khỏi hệ thống SWIFT. Điều này sẽ bảo đảm rằng các nhà băng này bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại đến khả năng vận hành toàn cầu của họ”, Thông cáo chung giữa lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC), Pháp, Đức, Italy, Vương quốc Anh, Canada, và Mỹ ngày 26/2.

SWIFT là từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng.

“Nó không chuyển tiền mà chuyển thông tin về tiền. Thật ra nó như một mạng xã hội nhắn tin, một Twitter cho các ngân hàng”, ông Alexandra Vacroux, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và Á-Âu của Đại học Harvar cho biết.

Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới. Hệ thống nhận này ghi nhận trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày trong năm 2021 và đến 82 triệu tin nhắn trong tháng 2/2022. Khoảng một nửa trong khoản thanh toán có giá trị cao xuyên biên giới quốc gia sử dụng nền tảng này.

Đài CBC dẫn lời ông Markos Zachariadis, Giáo sư về hệ thống thông tin và công nghệ tài chính tại Đại học Manchester cho biết: “Bạn có thể coi SWIFT là xương sống của lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đây là cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng nhất mà chúng ta có trong các dịch vụ tài chính, xét về khối lượng và giá trị giao dịch mà nó thực hiện trên toàn thế giới’’, ông nói thêm.

Theo Hiệp hội SWIFT Quốc gia Nga, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu trong nước đang sử dụng SWIFT, hơn một nửa số tổ chức tín dụng của Nga có đại diện trong SWIFT và Nga đứng thứ hai về số lượng người dùng nền tảng này chỉ sau Mỹ.

Việc loại trừ các ngân hàng Nga khỏi SWIFT sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường tài chính thế giới của nước này.

Các chuyên gia so sánh việc Nga bị loại khỏi SWIFT cũng giống như bị cắt Internet. “Hãy tưởng tượng những tổ chức này hoạt động trực tuyến với các khách hàng gửi thông tin và giao dịch, rồi đột nhiên không có quyền truy cập”, Markos Zachariadis giải thích.

Maria Shagina, một chuyên gia tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, đã viết trong một bài báo cho Trung tâm Carnegie Moscow rằng: Tác động của việc cấm Nga tham gia SWIFT có thể “tàn khốc” như đối với Iran khi quốc gia đã bị từ chối truy cập vào hệ thống trong năm 2012 do liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Bà viết: “Nga phụ thuộc rất nhiều vào SWIFT do … xuất khẩu dầu khí bằng đồng đô la Mỹ. Việc cắt giảm này sẽ chấm dứt tất cả các giao dịch quốc tế, kích hoạt sự biến động tiền tệ và dòng vốn”.

SWIFT từng chặn các ngân hàng Iran năm 2012 sau khi nước này bị EU trừng phạt vì chương trình hạt nhân. Theo Shagina, Iran mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% hoạt động ngoại thương sau khi biện pháp trên được kích hoạt. 

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng các nước phương Tây đang đánh giá quá cao vai trò của SWIFT đối với các hoạt động kinh tế của Nga.

“Đó là một nền tảng truyền thông, không phải là một hệ thống thanh toán tài chính”, Adam Smith, chuyên gia về luật thương mại quốc tế và từng làm việc trong chính quyền ông Obama, nói với CBS News. “Nếu bạn loại Nga khỏi SWIFT, bạn đang loại họ khỏi huyết mạch tài chính quan trọng, nhưng họ có thể sử dụng các công cụ trước khi SWIFT ra đời như điện thoại, telex hoặc email để tham gia vào các giao dịch giữa ngân hàng với ngân hàng.”

Bên cạnh đó, Nga cũng được cho là sở hữu các nền tảng thay thế SWIFT.

Sau sự kiện sáp nhập Crimea của Nga vào năm 2014 dẫn đến những lời kêu gọi loại Nga ra khỏi SWIFT, Ngân hàng Trung ương Nga bắt đầu có kế hoạch phát triển một giải pháp thay thế SWIFT là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS).

Theo ngân hàng trung ương Nga, SPFS hiện có khoảng 400 ngân hàng Nga tham gia SPFS. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn chục ngân hàng nước ngoài có trong SPFS nên sẽ chưa thể giúp nhiều trong việc thực hiện giao dịch quốc tế.

Một phương án thay thế khác cho SWIFT là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới còn non trẻ của Trung Quốc (CIPS). Hoặc Moskva cũng có thể chọn sử dụng tiền điện tử, nhưng đây đều được coi là những phương án kém hấp dẫn hơn nhiều so với SWIFT.

https://cafef.vn/iran-tung-thiet-hai-nang-khi-bi-loai-khoi-swift-nga-thi-sao-20220227165711797.chn