Nhiều doanh nghiệp khó đảm bảo tiêu chuẩn vay vốn

Nhiều doanh nghiệp khó đảm bảo tiêu chuẩn vay vốn

Toàn bộ nền kinh tế đã trải qua 10 tháng đầu năm vất vả chống đỡ với tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, do đó câu chuyện về việc tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn vay của cộng đồng doanh nghiệp chưa bao giờ hết nóng.

Theo thống kê, trong tháng 10/2021, sau nhiều tháng giãn cách, hiện đã có 45/63 địa phương trên cả nước có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đáng chú ý, các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh đều có sự phục hồi ấn tượng, riêng TP. Hồ Chí Minh có mức tăng 31,6%. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp trở lại, thì nhu cầu vay vốn càng gia tăng, trong khi nhiều doanh nghiệp đã không còn đáp ứng được hồ sơ tiếp cận tín dụng của ngân hàng. Hướng đi nào để tháo gỡ được những vấn đề này cũng còn nhiều tranh cãi chưa có hồi phân giải.

Trong một cuộc điều tra mới đây với hơn 12.000 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có hơn 57% doanh nghiệp được hỏi cho biết khó tiếp cận với các gói vay tín dụng của ngân hàng thương mại do không đảm bảo về hồ sơ vay vốn.

Thực tế, trước tác động của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất cho vay, góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế,… Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã gõ cửa các ngân hàng, nhưng vẫn không vượt qua được rào cản về thủ tục.

Đến nay, tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian giãn cách, vẫn có đầu ra và đơn hàng đều đặn, nhưng những chi phí thực tế phát sinh quá lớn để đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các nhà máy, phân xưởng, dẫn đến hồ sơ của các doanh nghiệp trở nên không còn đủ đáp ứng với những tiêu chí của ngân hàng đề ra.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM cho biết, chắc chắn các ngân hàng khi cho vay phải nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng cho dù kinh doanh rất tốt, thì chi phí về sản xuất, xét nghiệm và các chi phí cho gián đoạn công việc là những nguyên nhân làm giảm hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, doanh số sụt giảm mà chi phí giữ nguyên nên nhiều doanh nghiệp đang tích cực cấu trúc chi phí cho tốt, làm cơ sở để ngân hàng tiếp tục cho vay. Mặc dù, đã có Thông tư 14 tương đối thông thoáng, nhưng ngân hàng vẫn phải bảo toàn vốnchọn lựa những doanh nghiệp có lợi nhuận, an toàn”, ông Phương nói.

Trong giai đoạn này, nền kinh tế rất cần các doanh nghiệp mau chóng phục hồi, nhưng các doanh nghiệp lại cần nguồn vốn tín dụng nóng để trở lại, trong khi tiêu chuẩn cho vay không nới lỏng là bài toán khó, cần sự phối hợp của các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, cũng như vai trò “bà đỡ” định hướng chủ trương từ phía NHNN mới có thể tìm được lời giải.

Trong buổi họp báo tháng 10 vừa qua về thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2021, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã khẳng định, NHNN sẽ tạo điều kiện để mở rộng tín dụng, nhưng không hạ điều kiện cho vay.

Cũng theo báo cáo tài chính quý 3 được công bố, đa số các ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng hoặc đi ngang so với cùng kỳ, nhưng tỷ lệ nợ xấu cũng tăng so với đầu năm tại nhiều ngân hàng. Tính đến 30/9/2021, dư nợ xấu tuyệt đối tại 27 ngân hàng niêm yết đã tăng cao hơn 26% so với đầu năm, đây là diễn biến đã được dự báo khi toàn bộ nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ dịch bệnh.

Mặt khác, thành phần nguồn vốn cho vay của các ngân hàng cũng được cấu trúc từ các nguồn vốn huy động trong dân và các tổ chức tín dụng khác. Cho nên đảm bảo an toàn vốn luôn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng, trong bối cảnh lượng vốn cho vay cũ còn chưa kịp thu hồi, thì nhu cầu vay vốn mới từ các doanh nghiệp lại rất liên tục và tài sản đảm bảo được xem là một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong quyết định giải ngân vốn vay.

Trao đổi với báo giới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng đánh giá, vốn tại ngân hàng là loại vốn rất đặc biệt, ở mức độ vừa phải chứ không phải vô tận, được huy động trong toàn dân, do đó ngân hàng phải thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ với người gửi tiền. Vì vậy, tài sản bảo đảm được xem là cơ hội cuối cùng cho chính ngành ngân hàng, nên trong nhiều năm qua, dù chúng ta đã nhiều lần nói đến vấn đề này và cũng có sự cải thiện nhất định về thủ tục, cũng như tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản bảo đảm đó.

Nhìn ở chiều ngược lại, thì tín dụng doanh nghiệp cũng có vai trò quan trọng đối với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế, là thành phần mang lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính kịp thời phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn đa phần các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, việc điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn cho vay để phù hợp với tình hình thực tế là một trong những trọng tâm được giới chuyên gia đề xuất, bên cạnh đó các ngân hàng cũng cần có sự theo sát, đồng hành cùng doanh nghiệp để có thể hiểu rõ, hiểu sâu thực trạng của doanh nghiệp và đưa ra những tiêu chuẩn cho vay phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng, vai trò nội tại của doanh nghiệp là không thể thiếu, chỉ có định hướng tự nâng tầm doanh nghiệp, sử sử dụng vốn hiệu quả và mong muốn hợp tác toàn diện với ngân hàng mới có thể giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong câu chuyện tiếp cận vốn vay.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh: “Từ phía doanh nghiệp phải hiểu rằng vốn của ngân hàng là vốn của dân, chứ không phải là nguồn vốn tư nhân. Do đó doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hoàn trả, có thái độ ứng xử tốt khi ngân hàng đòi nợ, giữ đạo đức kinh doanh và nâng tầm quản trị doanh nghiệp tốt hơn, sử dụng vốn có hiệu quả và xây dựng hình ảnh tốt với các ngân hàng”.