Tỷ phú giàu nhất châu Á quyết đấu với Jeff Bezos ở thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới
Tỷ phú Mukesh Ambani đã đánh bại các đối thủ trên thị trường viễn thông Ấn Độ bằng cách bán những gói dữ liệu giá 2 USD và những cuộc gọi miễn phí. 4 năm sau, ông đang triển khai chiến lược tương tự – dùng mức giá siêu rẻ để có được lợi thế trên thị trường thương mại điện tử đang ngày càng khốc liệt tại Ấn Độ.
Tuần này là cao điểm của dịp mua sắm lớn nhất trong năm, lễ hội Diwai. Các website bán lẻ của Ambani – trong đó có JioMart – đang tấn công mạnh mẽ vào thị trường mà lâu nay vẫn bị thống trị bởi Amazon, Walmart và Flipkart.
Trên các trang web này tràn ngập những ưu đãi giảm giá hấp dẫn như giảm 50% đối với các sản phẩm bánh kẹo nổi tiếng và những thực phẩm thiết yếu mùa lễ hội như các loại gia vị dùng cho món ăn truyền thống biryani. Ngoài ra website Reliance Digital đang bán những chiếc điện thoại thông minh Samsung với mức giảm giá lên tới 40%.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tập đoàn hùng mạnh của Ambani, Reliance Industries, đang tràn trề tiền mặt và đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng tới 35% kể từ đầu năm đến nay. Sau khi huy động được 20 tỷ USD cho quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ của mình, Reliance hiện đang dồn lực cho mảng bán lẻ Jio.
Vài tuần gần đây, Jio đã nhận được hơn 6 tỷ USD tiền vốn đầu tư từ những quỹ lớn như KKR và Silver Lake. Vốn đã là nhà bán lẻ truyền thống lớn nhất Ấn Độ, những tham vọng của Ambani trong ngành thương mại điện tử đặt ông vào thế cạnh tranh trực tiếp với 2 ông lớn đến từ nước Mỹ vốn đều đã rót lượng tiền khổng lồ vào Ấn Độ.
Theo dự đoán của Morgan Stanley, đến năm 2026 doanh thu của thị trường thương mại điện tử Ấn Độ sẽ đạt 200 tỷ USD. Chiến thắng của Ambani trong mảng viễn thông – nơi ông bắt đầu là 1 người chơi nhỏ bé nhưng đã đánh bại tất cả bằng chiến lược giá rẻ và tận dụng thời cơ từ những thay đổi về luật lệ quản lý – khiến các gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ phải dè chừng.
Trong mảng bán lẻ, Ambani có 1 lợi thế rất lớn: các chính sách của Ấn Độ ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty trong nước mà Reliance là lớn nhất. Kể từ cuối năm 2018, luật đầu tư nước ngoài của Ấn Độ đã cấm Amazon và Flipkart (công ty ban đầu là của Ấn Độ nhưng đã được Walmart mua lại) kinh doanh các sản phẩm độc quyền và sở hữu hàng tồn kho. Mục tiêu của chính sách này là làm giảm khả năng trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả cũng như tung ra khuyến mãi. Các công ty nước ngoài cũng không được phép sở hữu quá 51% cổ phần tại các chuỗi siêu thị nội địa, kèm thêm các điều kiện như chỉ được mở cửa hàng ở những thành phố có dân số dưới 1 triệu người.
Siju Narayan, CEO của công ty tư vấn RexEmptor có trụ sở tại Mumbai nhận xét với những lợi thế nói trên, Ambani hoàn toàn có thể tác động mạnh đến thị trường bán lẻ trực tuyến Ấn Độ. “JioMart có thể đe dọa những công ty bán hàng tạp hóa trực tuyến lớn nhất ở Ấn Độ hiện nay như Bigbaskets & Groders và cả những ông lớn như Amazon và Flipkart”.
Các ông lớn bán lẻ của Mỹ vẫn coi Ấn Độ là mảnh đất hết sức màu mỡ. Jeff Bezos đã cam kết rót tới 6,5 tỷ USD vào đây. Năm 2018 Walmart chi 16 tỷ USD thâu tóm Flipkart trong thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của hãng. Đầu năm nay Walmart tiếp tục chi thêm hơn 1 tỷ USD và dồn tiền cho công ty thanh toán PhonePe.
Tuy nhiên đối với Ambani, tỷ phú giàu nhất châu Á với tài sản ròng 79 tỷ USD, thương mại điện tử sẽ là bài toán khó hơn nhiều so với viễn thông. Trước tiên, những đối thủ của ông lần này đều rất mạnh. Các nhà mạng không dây mà ông từng đánh bại hầu hết là công ty nội địa không dồi dào kinh nghiệm và tiền bạc như Amazon và Walmart. Thứ hai, các website thương mại điện tử của ông mới hơn so với các đối thủ”.
JioMart còn chưa tròn 1 năm tuổi và vẫn đang trong giai đoạn beta, thỉnh thoảng có trục trặc trong khâu giao hàng và hoàn toàn. Điều đó có nghĩa sẽ mất ít nhất vài năm để vượt lên hẳn so với Walmart và Amazon.
Tuy nhiên JioMart buộc phải đi đúng hướng. Ambani – người nối nghiệp cha mình khởi nghiệp từ ngành dệt may và sau đó nhảy sang ngành lọc hóa dầu – hiện đang coi bán lẻ và công nghệ chính là tương lai của Reliance.
Reliance hiện đang là công ty lớn nhất Ấn Độ. Giá trị vốn hóa của tập đoàn đạt 179 tỷ USD, tương đương 6,4% GDP quốc gia. Sức mạnh của tập đoàn sẽ chỉ tăng lên nếu thắng lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử khi mà mua sắm trực tuyến đang ngày càng phổ biến ở Ấn Độ. Vì dịch bệnh, cả năm vừa qua Ấn Độ gần như phải phong tỏa toàn quốc. Hơn nữa thị trường nông thôn vẫn chưa được khai thác nhiều.
Dịp lễ hội Diwali, JioMart triển khai chương trình “Bestival Sale” với chính sách giảm giá sâu và hoàn tiền lớn. Flipkart và Amazon cũng có chương trình giảm giá nhưng đối chiếu một số sản phẩm chính Jio đang giảm giá mạnh hơn. Ví dụ, chiếc điện thoại Samsung S20 được bán với giá 43.999 rupee trên Reliance Digital nhưng trên Amazon Ấn Độ và Flipkart có giá lần lượt là 47.990 rupee và 69.999 rupee.
Để đối phó với các quy định phức tạp, Walmart và Amazon vẫn có thể tung ra các chương trình giảm giá thông qua nhà sản xuất và các thương hiệu. Trong một số trường hợp, họ sắp xếp lại mối quan hệ với người bán sao cho có thể giảm giá một cách hợp pháp, đồng thời phối hợp với các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng để xây dựng chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên về dài hạn thì những công ty nội địa như JioMart vẫn sẽ có lợi thế đáng kể.
JioMart và Reliance Retail hiện chiếm khoảng 12 tỷ USD doanh thu (từ cả truyền thống và trực tuyến) trên thị trường bán lẻ Ấn Độ. Trong khi đó Amazon và Flipkart mỗi bên chiếm 14 tỷ USD, đơn thuần đến từ kinh doanh trực tuyến.
Để củng cố vị trí nhà bán lẻ số 1 Ấn Độ, tháng 8 vừa qua Ambani đã mua lại mảng bán lẻ, bán buôn, logistic và nhà kho của Future Group với giá 3,4 tỷ USD. Amazon, vốn đang sở hữu 1 phần nhỏ của 1 trong những công ty trực thuộc Future Group, đã cố gắng chặn đứng thương vụ này nhưng Ambani không chùn bước.
Trên thị trường Ấn Độ, người chiến thắng sẽ cần phải thống lĩnh được cả bán lẻ truyền thống và trực tuyến để có thể phục vụ thị trường rất đa dạng và có nhiều vùng nông thôn này. Ấn Độ cũng theo đuổi chính sách nuôi dưỡng những gã khổng lồ nội địa, học tập theo nước láng giềng Trung Quốc đã tạo ra được những ông lớn như Alibaba và Tencent nhờ chính sách bảo hộ các công ty trong nước.
Thành công của Ambani cũng đến một phần từ việc ông hiểu rất rõ những người tiêu dùng Ấn Độ luôn ham săn hàng giá rẻ. Suốt bao nhiêu năm qua, dưới nhiều đời Thủ tướng, ông cũng luôn gắn liền tham vọng riêng của Reliance với các mục tiêu quốc gia.
James Crabtree, giáo sư đang công tác tại trường chính sách công Lý Quang Diệu trực thuộc ĐH Quốc gia Singapore, nhận xét “Thủ tướng Modi mong muốn Ấn Độ có những công ty như Alibaba hay Tencent và ông biết rằng Reliance là ứng viên tiềm năng nhất”.
Tham khảo Bloomberg