Bộ trưởng Hàn Quốc livestream bán hàng mỗi ngày nhằm kích cầu tiêu dùng

Bộ trưởng Hàn Quốc livestream bán hàng mỗi ngày nhằm kích cầu tiêu dùng

Dù có những thành công nhất định trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Hàn Quốc vẫn đang phải chịu nhiều thiệt hại do các tác động đi kèm của cơn đại dịch này. Bởi vậy, chính quyền Seoul đang tiến hành những biện pháp đặc biệt nhằm thúc đẩy lại nền kinh tế sau dịch Covid-19, bao gồm việc 7 bộ trưởng Hàn Quốc sẽ bắt đầu xuất hiện trên các kênh livestream bán hàng nhằm thúc đẩy thương mại điện tử.

Cụ thể, mỗi vị bộ trưởng sẽ xuất hiện livestream về sản phẩm liên quan đến lĩnh vực của họ nhằm quảng bá cho các mặt hàng địa phương, qua đó thúc đẩy doanh số. Ví dụ Bộ trưởng thủy sản và ngư nghiệp trong lần xuất hiện mới đây đã quảng bá sản phẩm rong biển muối. Tất nhiên nhiều sản phẩm khác như chất tẩy rửa hay quần áo cũng được giới thiệu ngay trên sóng.

Buổi livestream sẽ được phát trên nhiều nền tảng như Naver hay TMON và người xem có thể tương tác với các vị bộ trưởng khi đặt mua hàng. Theo các chủ doanh nghiệp, đây là một động thái vô cùng đáng hoan nghênh của chính phủ bởi dịch Covid-19 đang khiến họ khó xuất khẩu nhiều mặt hàng ra nước ngoài.

Ngay trong ngày đầu tiên, sự kiện livestream đã thành công rực rỡ khi các sản phẩm như rong biển muối và chất tẩy rửa cháy hàng. Hàn Quốc sẽ phát chương trình vào 18h tối mỗi ngày, qua đó thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm và trợ giúp nền kinh tế.

Trong tháng 4/2020, Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI) đã dự báo nước này sẽ suy giảm 2,3% GDP trong năm nay do tác động từ dịch Covid-19. Nếu đúng như dự đoán, đây sẽ là năm đầu tiên kinh tế Hàn Quốc suy giảm GDP kể từ cuộc khủng hoảng 1998.

Dự báo của KERI thấp hơn nhiều so với ước tính tăng trưởng 0,1% của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Nguyên nhân chính là dù có nỗ lực chống dịch Covid-19 cùng các gói cứu trợ thì các nền tảng kinh tế vẫn yếu, xuất nhập khẩu trì trệ do nhu cầu thế giới chưa hồi phục.

Xuất khẩu của Hàn Quốc được dự báo giảm 2,2% trong năm nay. Trong khi đó chi tiêu cá nhân cũng được dự báo giảm 3,7% so với năm 2019 do niềm tin người tiêu dùng thấp còn lợi nhuận của các doanh nghiệp đi xuống.