Dự án Luật sửa đổi, bổ sung có tác động lớn đến kinh tế – xã hội đang cần Quốc hội xem xét gồm những luật nào?
Hầu hết các Uỷ ban được phân công điều tra đều tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật để gỡ bỏ những khó khăn và tận dụng nguồn lực, phát huy thế mạnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Với chủ trương, đường lối, chính sách về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, dự án luật đưa ra sửa đổi và bổ sung một số quy định của 8 luật gồm có Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Đối với Luật Đầu tư công, có 3 khía cạnh cần sửa đổi, bổ sung, đó là: Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và về bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm dịch vụ an ninh mạng vào phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Sửa đổi, bổ sung chủ yếu theo nguyên tắc phân quyền quyết định cho người đứng đầu cơ quan chủ quản.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sửa đổi và bổ sung dựa trên chủ trường phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho người đứng đầu.
Luật Đầu tư, lấy mục tiêu là tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị. Sửa đổi, bổ sung theo hướng phân quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư, khu đô thị.
Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở ( để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp là dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu tại điểm c khoản 1 Điều 34 và bổ sung Điều 34a để quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Luật Điện lực bổ sung theo hướng nhà nước độc quyền trong “vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”, nhà nước thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ.
Luật Doanh nghiệp thực hiện sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc và khó khăn. Cụ thể, để hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, sửa đổi bổ sung Điều 49, Điều 50 thay cụm từ “thành viên Hội đồng thành viên” thành “thành viên công ty”.
Sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 60, khoản 2 Điều 158 theo hướng khi chủ toạ, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này vẫn có hiệu lực nếu được tất cả thành viên đã tham dự họp đồng ý thông qua biên bản họp ký. Khoản 1, khoản 2 Điều 148 sửa đổi theo hướng chỉ tính kết quả bỏ phiếu của cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành để thông qua nghị quyết.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần bổ sung thêm về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 05 năm đầu, từ năm thứ 6 trở đi điều chỉnh tăng thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin bất kể là xe sản xuất, lắp ráp trong hay ngoài nước.
Luật Thi hành án dân sự cần Sửa đổi bổ sung Điều 55, 56 và 57 theo hướng làm rõ trường hợp uỷ thác thi hành án từng phần đồng thời bổ sung cơ chế uỷ thác xử lý tài sản. Dự thảo Luật quy định rõ căn cứ uỷ thác xử lý tài sản và quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện uỷ thác xử lý tài sản.