Trước thềm IPO với giá khởi điểm 58.000 đồng/cp, Tôn Đông Á đang kinh doanh ra sao?

Trước thềm IPO với giá khởi điểm 58.000 đồng/cp, Tôn Đông Á đang kinh doanh ra sao?

Tôn Đông Á vừa công bố tình hình kinh doanh năm 2021, ghi nhận doanh thu đạt hơn 25.200 tỷ đồng, vượt đến 57% so với kế hoạch. Trong đó, 21.700 tỷ đồng đến từ hoạt động kinh doanh chính, còn lại từ thương mại khác. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế Công ty đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2020.

Được biết, sản lượng bán hàng hơn 794.000 tấn, vượt 8% kế hoạch; riêng xuất khẩu trong năm đạt hơn 495.000 tấn, chiếm 62% tổng sản lượng. Tính đến nay, Công ty đang đứng thứ 3 thị phần tiêu thụ tôn mạ mảng xây dựng.

Bước sang năm 2022, sản lượng tháng 1 tiếp tục đạt kỷ lục từ trước đến nay với 90.000 tấn. Trong đó riêng với xuất khẩu, Công ty đã nhận các đơn hàng đạt trước gần hoàn thành quý 1 và kế hoạch tăng sản lượng lên 820.000 tấn trong năm 2022, mục tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm loại 1 trên 99%.

Tôn Đông Á cũng lên kế hoạch đầu tư thêm nhà máy thứ 3 với công suất ước tính cho giai đoạn 1 là 350.000 tấn, khi đưa vào vận hành sẽ nâng công suất của công ty đạt 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2023 và là một trong các công ty tôn mạ lớn nhất cả nước.

Sản phẩm của nhà máy tôn mạ thứ 3 sẽ tập trung chuyên môn hóa chuỗi sản xuất tôn mạ chất lượng cao cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng và xe hơi. Dự kiến, giai đoạn cuối của nhà máy thứ ba sẽ đi vào vận hành thương mại trong những năm sau 2024. Theo đó, Công ty sẽ là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất thép mạ cho ngành điện máy gia dụng.

Tôn Đông Á mới đây đã thông báo về việc tiến hành IPO trong tháng 1/2022. Theo đó, Công ty sẽ chào bán hơn 15 triệu cổ phiếu với mức giá tối thiểu là 58.000 đồng/cp, bao gồm 12,4 triệu cổ phiếu phát hành mới, tương ứng số tiền thu về vào khoảng 717 tỷ đồng. 

Về toàn ngành thép, sau một năm thành công, dù không còn kỳ vọng vào sự đột biến, các doanh nghiệp thép và tôn mạ kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự mở rộng của nền kinh tế sau những nỗ lực tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và gói kích cầu lên tới 350.000 tỷ đồng, dành phần lớn nguồn lực đầu tư hạ tầng cho phát triển và phục hồi kinh tế nhằm đạt tăng trưởng GDP 6 – 6,5%.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ghi nhận trong năm 2021, sản xuất thép thô ước đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16%. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu của các thành viên VSA cũng tăng trưởng ấn tượng 70% so với thực hiện trong năm 2020 và đạt tới 14 triệu tấn.

Năm 2022, nhiều tổ chức đều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục. Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam tăng 5,5%; Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,7%; HSBC dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,5% …Trong đó, các dự báo đều nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại từ năm 2022.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định nhu cầu thép tại các quốc gia khu vực các nước phát triển đã hồi phục mạnh mẽ trong cả năm 2021 và dự báo tiếp tục duy trì đà phục hồi trong năm 2022. Trong khi đó, khu vực các nước đang phát triển (ngoài Trung Quốc), nhu cầu thép hồi phục nhưng không quá mạnh do vẫn chịu ảnh hưởng bởi các làn sóng Covid-19 khi chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao. Dự kiến trong năm 2022, những nhu cầu dồn nén và việc kiểm soát Covid-19 sẽ giúp khu vực này có tốc độ tăng trưởng về nhu cầu thép nhanh nhất so với các khu vực khác, đặc biệt là thép xây dựng để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, Bloomberg và các chuyên gia cho rằng trong năm 2022 giá kim loại công nghiệp dù mức tăng thấp hơn so với đỉnh năm 2021 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với lịch sử. GDP toàn cầu được dự đoán duy trì tăng trưởng mạnh mẽ cùng với việc mở rộng sản xuất công nghiệp, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tại Mỹ, châu Âu sẽ hỗ trợ nhu cầu kim loại và sản phẩm tôn thép

Mặc dù nguồn cung đang tăng nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường do nhiều nguyên nhân khác nhau như tác động liên tục của Covid-19 đối với nguồn nhân lực, các vấn đề về vận tải và thời tiết. Bên cạnh đó các yêu cầu về quản trị môi trường – xã hội – doanh nghiệp (ESG) đã khiến việc cấp phép xây dựng các mỏ mới hoặc mở rộng các mỏ hiện tại trở nên khó khăn, gây ảnh hưởng đến nguồn cung đẩy giá các kim loại lên mức cao.

Những hạn chế bổ sung từ phía nguồn cung về cơ cấu do các cân nhắc về ESG cũng đang xuất hiện, khiến việc xin giấy phép xây dựng các mỏ mới hoặc mở rộng các mỏ hiện có trở nên khó khăn hơn. Những phát triển này có khả năng giữ cho sự cân bằng cung/cầu chặt chẽ đối với hầu hết các kim loại công nghiệp và giữ giá của chúng cao hơn trong thời gian dài.

Tại Trung Quốc, gần đây có dấu hiệu thay đổi chính sách khi thực hiện hạ lãi suất tiêu chuẩn (LPR) 2 lần do lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm lại. Với những động thái của Trung Quốc, giá thép ở Thượng Hải từ 30/11/2021 đến 25/1/2022 đã tăng 13% từ 4.176 lên 4.720 CNY/tấn và có dấu hiệu bước vào giai đoạn tăng trở lại, giới đầu tư kỳ vọng giá thép có thể tiếp tục được hỗ trợ nhờ chính sách kích cầu của Trung Quốc.

Trên thị trường thế giới, giá thép cũng đang hồi phục mạnh từ đáy.

Trước thềm IPO với giá khởi điểm 58.000 đồng/cp, Tôn Đông Á đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.