Không phải nhà đầu tư, đây mới là những nhân vật ‘then chốt’ giúp Elon Musk giàu nhất thế giới và Tesla, SpaceX thoát cảnh vỡ nợ
Gần đây, việc Elon Musk phải nộp mức thuế bao nhiêu – dù nhiều hay ít, đã thu hút sự chú ý lớn. Tuần trước, ông đã bán 6,9 tỷ USD cổ phiếu Tesla để nộp thuế. Ở Quốc hội Mỹ, một số ý kiến cho rằng việc đánh thuế các tỷ phú đòi hỏi phải có mức tối thiểu, đối với cá nhân giàu có như Musk. Sau đó, Musk đã phản đối quan điểm này trên Twitter.
Song, khối tài sản của Musk được hưởng lợi bao nhiêu từ sự hỗ trợ của chính phủ đối với những công ty ông sở hữu không phải là câu hỏi dễ trả lời. Theo CNN, một phần nhỏ trong số đó là nhờ những người nộp thuế. Trong khi đó, một số khác lại cho rằng câu trả lời là “phần lớn”.
Khối tài sản của Musk phụ thuộc vào giá trị của các công ty mà ông đang điều hành là Tesla – doanh nghiệp 1 nghìn tỷ USD, và SpaceX – đang được định giá hơn 100 tỷ USD. Song, mức định giá trên chủ yếu dựa vào niềm tin của nhà đầu tư về doanh thu và lợi nhuận tương đối với công ty, chứ không phải kết quả kinh doanh. Doanh số và lợi nhuận của Tesla hiện vẫn chỉ bằng một phần nhỏ so với các nhà sản xuất ô tô lâu đời khác.
Doanh số bán xe trên toàn cầu của Tesla là 627.000 trong 9 tháng đầu năm nay và lợi nhuận ròng là 3,2 tỷ USD, đều chạm mức kỷ lục. Trong khi đó, doanh số toàn cầu của Toyota lại cao gấp 10 lần và doanh thu ròng của hãng là 2,3 nghìn tỷ yen (20,3 tỷ USD), gấp 6 lần Tesla. Dẫu vậy, vốn hóa của Tesla vẫn cao gấp 3 lần Toyota và gần bằng 12 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cộng lại.
Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của những người nộp thuế, cả Tesla và SpaceX đều không thể “tồn tại” lâu đến vậy và nhà đầu tư cũng không thể có cơ hội đặt cược lớn vào cả 2 công ty.
Kiếm hàng tỷ USD từ chứng chỉ không phát thải
Trong một dòng tweet vào năm ngoái, Musk thừa nhận rằng Tesla gần như phá sản vào năm 2019. Ở thời điểm đó, diễn biến giá cổ phiếu đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng công ty này sẽ thiếu tiền mặt vì gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng dòng xe Model 3.
Trong một chia sẻ trên Twitter năm 2020, ông nói: “Lần gần đây nhất chúng tôi gần như phá sản là khoảng 1 tháng trước. Quá trình sản xuất Model 3 cực kỳ căng thẳng và gặp nhiều khó khăn trong thời gian dài, đó là từ giữa năm 2017 đến giữa năm 2019.”
Tuy nhiên, ông lại không chia sẻ chìa khóa nào đã giúp Tesla “sống sót”. Yếu tố quan trọng là việc bán chứng chỉ không phát thải cho các nhà sản xuất ô tô khác. Các công ty không đáp ứng được quy định về môi trường sẽ phải trả tiền phạt hoặc mua chứng chỉ không phát thải từ những doanh nghiệp tuân thủ đúng quy tắc. Và Tesla là công ty đáp ứng đầy đủ nhất khi là nhà sản xuất ô tô chạy hoàn toàn bằng điện.
Từ năm 2008 đến nửa đầu năm 2019, chứng chỉ không phát thải đã mang về cho Tesla hơn 2 tỷ USD. Hơn nữa, doanh số bán xe cũng tăng kể từ đó, cũng giúp Tesla bán thêm 3 tỷ USD chứng chỉ không phát thải kể từ tháng 6/2019.
Dan Ives – nhà phân tích lĩnh vực công nghệ của Wedbush Securities, cho biết: “Chính những cá nhân, tổ chức nộp thuế của Mỹ đã giúp Elon Musk vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”. Năm 2019, Ives vẫn còn hoài nghi về triển vọng khi hoạt động kinh doanh của Tesla không thuận lợi.
Vị chuyên gia nói thêm: “Nếu không có chứng chỉ không phát thải, Tesla sẽ không phải là thương hiệu toàn cầu và Musk cũng không phải là người giàu nhất thế giới.”
Tesla thoát cảnh thiếu tiền
Chứng chỉ không phát thải không phải là sự hỗ trợ duy nhất từ chính phủ Mỹ dành cho Tesla. Tháng 1/2010, công ty nhận được khoản vay lãi suất thấp trị giá 465 triệu USD từ Bộ Năng lượng Mỹ, chỉ vài tháng trước khi IPO. Không lâu sau, Tesla đã thanh toán đầy đủ khoản nợ này nhờ phát hành thêm cổ phiếu vào năm 2013.
Hơn nữa, hãng xe điện cũng hưởng lợi từ các khoản tín dụng thuế mà khách hàng nhận được khi mua xe Tesla hoặc các phương tiện sử dụng điện và xăng song song. Khoản tín dụng thuế sẽ đến tay người mua chứ không phải trực tiếp cho công ty, nhưng việc này sẽ cho phép Tesla nâng giá ô tô. Trên thực tế, khi khoản tín dụng thuế liên bang là 7.500 USD cho các giao dịch mua xe Tesla giảm 1 nửa xuống còn 3.750 USD vào đầu năm 2019, công ty này đã hạ giá xe xuống 2.000 USD để duy trì sự cạnh tranh.
NASA “cứu” SpaceX
SpaceX mang về “nguồn thu” ít hơn nhưng vẫn chiếm phần đáng kể trong khối tài sản của Musk. Sự hỗ trợ của những cá nhân, tổ chức đóng thuế thậm chí còn rõ ràng hơn đối với công ty này, vì SpaceX nhận được nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD từ chính phủ.
Theo Sam.gov – cơ sở dữ liệu của chính phủ theo dõi hoạt động chi tiêu liên bang, SpaceX đã ký các hợp đồng trị giá gần 10 tỷ USD. Ở thời điểm cả SpaceX và Musk đều cạn tiền, họ đã nhận được một hợp đồng đáng giá ngay trước Giáng sinh năm 2008.
Hợp đồng này bao gồm 12 sứ mệnh bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trị giá 1,6 tỷ USD. Casey Dreier – cố vấn chính sách vũ trụ cấp cao của Planetary Society, cho biết thỏa thuận này rất quan trọng vì SpaceX có thể hoàn thiện tàu Falcon 9 cũng như tàu Dragon – sẽ mang theo vật tư và phi hành đoàn lên ISS.
Dreier cho biết: “Họ thực sự đã suýt vỡ nợ. Elon nói rằng ở thời điểm đó họ đang đứng trên bờ vực phá sản và hợp đồng đó đã phần nào cứu cả công ty.”
Ngoài ra, các hợp đồng khác cũng giúp thúc đẩy các hoạt động của SpaceX. Nhờ SpaceX, NASA có thể sử dụng tên lửa của công ty này thay vì phụ thuộc vào tàu của Nga để đưa các phi hành gia lên không gian.
Kể từ đó, SpaceX đã nhận được nhiều hợp đồng khác từ NASA, quân đội và nhiều cơ quan chính phủ khác. Công ty này đã giành được một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để phát triển các tàu vũ trụ tiếp theo, đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng.
Tham khảo CNN