Thuốc điều trị COVID-19 không thể thay thế vaccine
Thuốc uống kháng virus của Merck và Pfizer đã được chứng minh là làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19 nếu được dùng đủ sớm. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo những người do dự tiêm chủng không nên nhầm lẫn giữa lợi ích của phương pháp điều trị với phòng ngừa bằng vaccine.
Kết quả sơ bộ của cuộc khảo sát trên 3.000 công dân Mỹ của Trường Y tế Công cộng, Đại học Thành phố New York (CUNY) cho thấy các loại thuốc điều trị COVID-19 có thể “cản trở nỗ lực thúc đẩy mọi người tiêm chủng”.
Ông Scott Ratzan, chuyên gia về truyền thông sức khỏe tại CUNY và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết cứ 8 người được khảo sát thì có một người muốn được điều trị bằng thuốc viên hơn là tiêm vaccine.
Ngày 1/10, Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics tuyên bố thuốc kháng virus đường uống của họ có thể giúp giảm một nửa số lần nhập viện và tử vong. Loại thuốc đó, được gọi là Molnupiravir, đã được chấp thuận sử dụng tại Anh. Trong khi đó, vào hôm 5/11, nhà sản xuất vaccine COVID-19 hàng đầu Pfizer cũng cho biết thuốc kháng virus Paxlovid thử nghiệm của họ làm giảm 89% nguy cơ nhập viện và tử vong do virus SARS-CoV-2 ở người trưởng thành có nguy cơ cao. Tuy nhiên, cả 2 loại thuốc này đều cần được Cơ quan Quản lý Y tế Mỹ thông qua và dự kiến ra mắt trên thị trường vào tháng 12.
“Chỉ hoàn toàn dựa vào một loại thuốc kháng virus, chúng ta sẽ gặp một chút khó khăn. Rõ ràng, có sẽ tốt hơn không, nhưng đây là một trò chơi đặt cược cao”, Tiến sĩ Peter Hotez, chuyên gia về vaccine và giáo sư về virus học phân tử và vi sinh tại Đại học Y Baylor, chia sẻ.
Được biết, 6 chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trả lời phỏng vấn của Reuters đã bày tỏ tin tưởng về triển vọng của các phương pháp điều trị mới hiệu quả đối với COVID-19, nhưng họ đều đồng ý các loại thuốc này không thể thay thế vaccine.
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, ngay cả khi đối mặt với biến thể Delta có khả năng lây truyền cao, vaccine của Pfizer/BioNTech vẫn có hiệu quả, giảm tổng cộng 86,8% nguy cơ nhập viện. Một số người chưa được chủng ngừa đã dựa vào các kháng thể đơn dòng – loại thuốc được sử dụng thông qua tiêm hoặc truyền vào tĩnh mạch – như một biện pháp hỗ trợ trong trường hợp họ bị nhiễm bệnh.
Dẫn lời Tiến sĩ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu kiêm giáo sư y tế công cộng tại Đại học George Washington và cựu ủy viên y tế của Baltimore: “Tôi nghĩ thông tin về thuốc của Pfizer là một tin tuyệt vời song nó cần được sử dụng cùng với việc tiêm chủng. Nó không thay thế được vaccine”.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Pfizer, nhận định: “Thuốc là phương pháp điều trị dành cho những người không may mắc bệnh. Đây không nên là lý do để chúng ta đặt bản thân, gia đình và xã hội vào tình trạng nguy hiểm”.
Các chuyên gia cho biết, một lý do chính để không nên phụ thuộc vào những viên thuốc mới là thuốc kháng virus chỉ ngăn virus nhân lên trong cơ thể. Thuốc phải được đưa vào cơ thể đúng thời điểm mới mắc bệnh mới có hiệu quả vì COVID-19 có các giai đoạn phát triển bệnh khác nhau.
Trong giai đoạn đầu, virus nhân lên nhanh chóng trong cơ thể. Tuy nhiên, rất nhiều tác động xấu nhất của COVID-19 xảy ra trong giai đoạn thứ 2, khởi phát từ phản ứng miễn dịch bị lỗi do virus tái tạo kích hoạt. Khi bệnh nhân COVID-19 bị khó thở hoặc các triệu chứng khác dẫn đến phải nhập viện, họ đang ở trong giai đoạn rối loạn chức năng miễn dịch. Lúc này, thuốc kháng virus thực sự không mang lại nhiều lợi ích, theo Tiến sĩ Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Giám đốc điều hành và người sáng lập của tổ chức đa phương tiện phi lợi nhuận Just Human Productions./.