Lạm phát cao: Chỉ là tạm thời hay sẽ thái quá?
Trong bối cảnh bình thường, nếu thị trường liên tục xuất hiện những con số cho thấy lạm phát tăng như gần đây thì có nghĩa là mọi thứ đang trong tình trạng báo động đỏ.
Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19, chúng chỉ là một sự xác nhận cho vài quý gần đây rằng bức tranh lạm phát chẳng có gì đặc biệt ngoài việc tuân theo quy luật. Nói cách khác, giá cả hàng hóa tăng gần đây là do tắc nghẽn nguồn cung và sự so sánh số liệu một cách khập khiễng với thời gian một năm trước, thời điểm phần lớn nước Mỹ rơi vào tình trạng đóng cửa.
Số liệu mà các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) muốn trích dẫn nhất khi đề cập đến lạm phát là tình hình chi tiêu của tháng 5. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng – tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 4/1992.
Tuy nhiên, thị trường lại ít chú ý tới chỉ số này nên chốt tuần trước, cổ phiếu và lợi suất trái phiếu chính phủ tại Mỹ đều tăng. Nguyên nhân là ngay cả khi số liệu trên khiến giới chuyên gia phải so sánh với thời kỳ những năm 1970 thì cũng vẫn đang diễn biến theo như những ai dự đoán PCE giảm dần rồi ổn định ở mức thấp hơn.
“Mức PCE hiện nay phù hợp với ý kiến cho rằng lạm phát gia cao sẽ chỉ là tạm thời và nó liên quan đến việc tái mở cửa nền kinh tế cũng như một số gián đoạn trong nguồn cung khi tái mở cửa quá nhanh”, Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nói.
Ít nhất trong ngắn hạn, quan điểm cho rằng lạm phát sẽ giảm dần vào một thời điểm nào đó là điều khá dễ chịu đối với những ai đang phải chịu cảnh chi phí lên cao.