SSI nâng dự báo lợi nhuận HDBank năm 2021 lên 7.800 tỷ đồng

SSI nâng dự báo lợi nhuận HDBank năm 2021 lên 7.800 tỷ đồng

Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo phân tích về ngân hàng HDBank (mã HDB). 

Trong kịch bản cơ sở là làn sóng bùng phát Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 8 và toàn dân sẽ được tiêm chủng đầy đủ trong quý 2/2022, SSI tăng ước tính lợi nhuận năm 2021 và 2022 cho HDB lên 7,8 nghìn tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2020) và 9,4 nghìn tỷ đồng ( tăng 21% so với năm 2021). 

SSI giả định tăng trưởng tín dụng năm nay của HDBank là 17%, giảm so với dự kiến 20% do mức trần thấp sau đợt nới lỏng hạn mức tăng trưởng tín dụng lần đầu. Mặc dù vậy, do cơ sở so sánh thấp năm 2021, việc phục hồi có thể mạnh hơn trong năm 2022. Nhóm cũng phân tích cũng dự báo thu nhập lãi thuần của HDBank năm 2021 đạt khoảng 13.895 tỷ đồng, NIM ở mức 4,3%.

Trong khi đó, SSI ước tính đà tăng cho vay bán lẻ sẽ có thể giảm bớt phần nào tác động từ việc giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, trước đây, SSI cũng đã cẩn trọng giả định NIM ở mức tương đối thấp (4,32% so với 4,47% trong 6 tháng đầu năm 2021) do cho rằng HDB sẽ chủ động giảm lãi suất cho vay nên không thực hiện điều chỉnh giả định NIM. Việc giảm NIM sẽ được bù đắp thông qua tăng quy mô tăng trưởng tín dụng.

Doanh thu từ dịch vụ thanh toán là yếu tố bất ngờ trong quý 2/2021 nhờ số lượng thẻ tín dụng và ghi nợ và số lượng tài khoản mobile banking tăng mạnh. Điều này được hưởng lợi từ giãn cách xã hội khi người dân tăng tần suất sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến thay vì trả tiền mặt. Theo đó, SSI dự báo thu nhập thuần ngoài lãi của ngân hàng sẽ đạt 2.984 tỷ đồng, tăng 18% so với dự báo trước.

SSI nêu một số điểm cần lưu ý trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của HDBank trong đó là việc huy động vượt tín dụng, tạo áp lực lên NIM. Năm 2020, tăng trưởng huy động của HDB gần gấp đôi tăng trưởng tín dụng (38,4% so với 21%). Điều này tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm 2021, với tăng trưởng huy động đạt 11% trong khi tăng trưởng tín dụng 5,8%. Để đạt kết quả này, HDB đã duy trì lãi suất huy động ở mức cao so với các ngân hàng khác (cao hơn 116 bps so với các ngân hàng TMCP tư nhân nhỏ và 184 bps so với các ngân hàng TMCP tư nhân lớn).

Sau nhiều năm LDR ở mức cao, ngân hàng bắt đầu tập trung thu hút tiền gửi từ năm 2020 để đưa chỉ số này về mức an toàn hơn. Tuy nhiên, SSI vẫn băn khoăn về việc tăng trưởng huy động ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2021 ngay cả trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu thấp và các chỉ tiêu thanh khoản ở mức hợp lý.

Theo quan điểm của nhóm phân tích, LDR (68% so với mức trần 85%) và tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn (23% so với mức trần 37% từ tháng 10/2021) đang ở mức thấp không cần thiết. Do đó, không ngoài khả năng HDB có thể lên kế hoạch cho vay một số dự án lớn dài hạn trong nửa cuối 2021 khi hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới và do đó, có thể huy động trước nguồn vốn trung dài hạn để chuẩn bị cho điều này.