Đại diện Chợ tốt: Hậu giãn cách, doanh nghiệp đối mặt với khó khăn nhiều hơn với chi phí tăng cao cho tuyển dụng mới
Việt Nam đang dần nới lỏng giãn cách, bước vào giai đoạn bình thường mới sau đợt bùng phát lần thứ 4 đặc biệt nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Một trong những bài toán lớn nhất hiện nay là bài toán lao động, đặc biệt tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam đang bị thiếu hụt lớn trước việc người dân lần lượt rời bỏ về quê.
Thống kê bởi Tổng Cục thống kê trong quý 3/2021, thị trường lao động Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Khi, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động trong quý vượt mốc 1,8 triệu, con số cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số liệu từ Bộ Lao động Thương Binh Xã hội cũng cho thấy, hiện có hơn 17,8% doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu lao động.
Dù vậy, người trong cuộc nhìn nhận tình trạng trên có thể chỉ mang tính ngắn hạn. Dài hạn, khi kiểm soát tốt hơn dịch bệnh và dần hoạt động bình thường trở lại, người lao động sẽ sớm quay lại các thủ phủ khu công nghiệp, khu kinh tế để mưu sinh.
Đặc biệt, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các khu công nghiệp trong làn sóng dịch chuyển dòng vốn ngoại, bức tranh lao động kỳ vọng sẽ nhanh chóng hồi phục cũng như có sự dịch chuyển mới mẻ.
Trao đổi tại hội thảo mới đây, đại diện trang Chợ tốt cho biết: “Về phía người lao động, tâm lý NLĐ lạc quan hơn nhiều trong giai đoạn hậu giãn cách. Theo khảo sát người tìm việc trên Việc Làm Tốt, hiện tại 86% người được hỏi mong muốn quay lại làm việc liền. Người lao động phổ thông cũng cởi mở về nơi làm việc, đa số (68%) chỉ mong có việc, công ty mới hay cũ không quan trọng”.
Dự kiến, lao động phổ thông cũng sẽ tăng và chiếm 80% cơ cấu lao động đến năm 2025. Trong đó, tương ứng với định hướng Chỉnh phủ phát triển khối Công nghiệp lên 40% GDP vào năm 2030, số lượng cụm công nghiệp sau 5 năm cũng tăng đến 76% lên 1.704 đơn vị, tập trung chính ở miền Nam với 50% thị phần, miền Bắc và miền Trung lần lượt đtaj 29% và 21%.
Thực tế, cơ cấu lao động đã có sự dịch chuyển rõ nét từ năm 2020. So với năm 2015, số lượng lao động mảng công nghiệp, sản xuất thương mại, dịch vụ tăng từ 77% tỷ trọng lên 79%. Con số 5 năm tiếp theo dự tăng lên 80%.