6 xung lực mới cho thị trường BĐS trong năm 2021
Thứ nhất, thị trường BĐS đã và đang điều chỉnh rất nhanh và nhạy bén trong thời gian vừa qua. Về kinh tế vĩ mô, năm 2021 dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5-7%. Đến 2030 dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong 10 năm tới ở mức 7%. Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng cao, kéo theo thu nhập bình quân đầu người cũng tăng ở mức 6,5%. Đây là một xung lực lớn cho thị trường BĐS.
Thứ hai, là xung lực pháp lý, các văn bản pháp luật đã được tinh giản và sửa đổi đáng kể. Trong đó nổi bật là Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, cho phép huy động vốn qua việc thành lập quỹ. Năm 2021, xung lực từ việc sửa đổi các văn bản này chắc chắn sẽ tác động tốt đến việc huy động vốn của doanh nghiệp BĐS, Luật Đầu tư, Luật PPP cũng được sửa đổi.
Thứ ba, là xung lực từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là 1 địa điểm hấp dẫn. Trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư có tới 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam, trong đó có cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Nói cách khác, Việt Nam thu hút được cả “chim sẻ” và cả “đại bàng”.
Thứ tư, là giải ngân vốn đầu tư công. Khi kinh tế suy thoái thì đầu tư công là một kênh tạo ra hệ số lan toả cực kỳ lớn, Năm 2020, việc quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công đã đóng góp khoảng 6,5% tương ứng 0,02 điểm% trong mức 2,91% tăng trưởng năm 2020.
Thứ năm, là xung lực từ chuyển đổi số cực kỳ nhanh và hiệu quả. Trong số các doanh nghiệp bất động sản ngoài việc đầu tư chuyển đổi số để bán hàng, marketing, việc áp dụng công nghệ số cũng là một kênh tốt để huy động vốn.
Cuối cùng là xung lực từ lãi suất. Hiện lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 15 năm, ở mức 8-10% tuỳ vào thời hạn. Đối với giai đoạn năm 2011-2012, lãi suất cao gấp đôi so với bây giờ. Đây là thời điểm thuận lợi để cá nhân, hộ gia đình mua nhà cửa, kể cả đi vay.
Tuy nhiên, vẫn còn 4 rủi ro liên quan đến thị trường BĐS trong năm 2021 được TS Cấn Văn Lực chỉ ra. Đó là, rủi ro pháp lý, mặc dù còn nhiều vướng mắc nhưng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam có tính linh hoạt cao và cũng khá “quen” với rủi ro này để tìm cách vượt qua.
Rủi ro dịch bệnh khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới.
Rủi ro về đòn bẩy tài chính, song các doanh nghiệp kiểm soát đòn bẩy tài chính khá tốt, năm vừa qua 300.000 – 400.000 nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán. Nhưng đây chỉ là dịch chuyển dòng tiền chứ không phải đòn bẩy tài chính.
Rủi ro vay nợ khi quy mô nợ gấp 3,5 lần quy mô GDP của nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, lãi suất còn thấp thì rủi ro thấp nhưng nếu lãi suất tăng lên thì sẽ tạo rủi ro lớn hơn. Việt Nam vẫn có nền tảng tốt để chống chịu các cú sốc tài chính.