Lý do nào khiến Fed tính chuyện bắt đầu rút lại kích thích từ cuối năm nay?

Lý do nào khiến Fed tính chuyện bắt đầu rút lại kích thích từ cuối năm nay?

Trong cuộc họp tháng trước, hầu hết các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều đồng ý rằng họ có thể bắt đầu giảm tốc độ mua trái phiếu từ cuối năm nay. Họ đánh giá kinh tế Mỹ đã đủ tiến bộ về mục tiêu lạm phát, đồng thời thị trường lao động cũng đã cải thiện.

“Nhiều thành viên tham dự nhận định đã có đủ các điều kiện kinh tế và tài chính để có thể giảm quy mô mua trái phiếu trong những tháng tới”, biên bản cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (FOMC) ngày 27-28/7 cho biết. “Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khác lại cho thấy sẽ là hợp lý nếu bắt đầu thu hẹp từ đầu năm sau”.

Cũng theo biên bản này, hầu hết các thành viên FOMC “đánh giá sẽ là hợp lý nếu bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản từ năm nay”.

Cuộc họp tiếp theo của FOMC sẽ diễn ra vào ngày 21-22/9. Cho đến nay họ vẫn chưa đồng ý về mốc thời gian, tốc độ cũng như cấu trúc của đợt “taper” sắp tới. Các quan chức vẫn bất đồng quan điểm khi đánh giá liệu tình trạng lạm phát tăng nhanh có tiếp tục kéo dài hay không.

Mặc dù đà tăng gần đây của chỉ số giá tiêu dùng thu hút sự quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách và thôi thúc họ nhất trí về việc thu hẹp chương trình mua tài sản, một số quan chức Fed vẫn lo ngại lạm phát có thể đảo chiều và quay trở lại xu hướng trước dịch là giữ mãi ở mức dưới 2%.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ hồi phục mạnh mẽ, sự mất cân bằng trên cả cung và cầu khiến giá tiêu dùng tăng mạnh. Chỉ số lạm phát trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6 vừa qua (do Fed tính toán) lên tới 4%, trong khi mục tiêu Fed đề ra là 2%.

Thị trường lao động cũng được đánh giá là có tiến triển và đang hướng đến mục tiêu mà Fed đã đề ra, mặc dù vẫn có những lo ngại về những cản trở trong ngắn và trung hạn liên quan đến đại dịch Covid-19.

Số việc làm mới đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, ở mức trung bình 617.000 việc làm mỗi tháng. Tỷ lệ thất nghiệp của tháng 7 giữ ở mức 5,4%. Tuy nhiên các thước đo có phạm vi rộng hơn vẫn cho thấy sự trì trệ. Ví dụ, tỷ lệ tham gia thị trường lao động của nhóm 25-54 tuổi là 77,8% trong tháng trước, giảm so với con số 80,5% của thời điểm đầu năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm da màu vẫn ở mức cao – 8,2%.

“Một số thành viên nhấn mạnh thị trường lao động vẫn chưa quay trở lại mức trước dịch và rằng 1 thị trường lao động khỏe mạnh được hậu thuẫn bởi chính sách tiền tệ linh hoạt sẽ giúp chúng ta tiến nhanh hơn đến các mục tiêu đã đề ra”, biên bản có đoạn. “Một số bình luận rằng hiện xu hướng tăng giá chỉ tập trung ở một số nhóm nhỏ và sẽ không làm thay đổi xu hướng lạm phát”.

Tháng 3/2020, Fed hạ lãi suất cho vay xuống 0 và thông báo mỗi tháng sẽ mua 200 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) cùng với 500 tỷ USD trái phiếu kho bạc để giúp thị trường hoạt động trơn tru. Đến tháng 12/2020, Fed điều chỉnh chỉ dẫn, thông báo sẽ giảm xuống mua 80 tỷ USD trái phiếu và 40 tỷ USD MBS mỗi tháng “cho đến khi đạt được những tiến bộ bền vững hướng tới các mục tiêu về toàn dụng lao động và ổn định giá cả”.

Chương trình mua tài sản của Fed giúp lãi suất dài hạn giảm xuống nhưng cũng khiến giá nhà đất và các tài sản tài chính tăng vọt, làm dấy lên những lo ngại về bong bóng tài chính.

Tham khảo Bloomberg