VPBank trao đổi trực tuyến với các nhà đầu tư
Vững vàng vượt qua đại dịch …
Tăng trưởng từ đa dạng nguồn thu nhập, giảm thiểu các tác động từ thị trường và đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận ổn định: Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ghi nhận hơn 11,7 nghìn tỷ tăng trưởng gần 25% YoY vượt trên 70% kế hoạch với nguồn thu đa dạng song song duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, trong đó riêng lợi nhuận Ngân hàng mẹ chiếm gần 93%. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 33.231 tỷ đồng, tăng trưởng 17,3% YoY gồm hơn 25,8 nghìn tỷ thu nhập lãi thuần (Ngân hàng riêng lẻ: 14,2 nghìn tỷ; FEC: 11,6 nghìn tỷ) tăng trưởng 9,4% YoY và thu nhập phí thuần tăng trưởng khả quan 23,2% so với một năm trước đó đạt gần 2,9 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, trong 9 tháng 2021 nguồn thu từ đầu tư tài sản tài chính tăng trưởng mạnh mẽ đạt hơn 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 162.5% YoY.
Lợi nhuận trước thuế được cải thiện thông qua việc chú trọng công tác thu hồi nợ, tối ưu hóa chi phí hoạt động: Trong 9 tháng 2021, chi phí hoạt động hợp nhất của VPBank đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số CIR hợp nhất ở mức 23,7%, tiếp tục giữ VPBank trong nhóm Ngân hàng có chỉ số tốt nhất thị trường. Bằng cách đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thông qua công cụ số hóa, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong 3 quý vừa qua đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 73,8% YoY.
Chiến lược kinh doanh linh hoạt, điều chỉnh tập trung ở hai phân khúc khách hàng cá nhân (KHCN) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME): Cuối quý III/2021, VPBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng Ngân hàng hợp nhất đạt hơn 349 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 8,1% so với cuối năm 2020 trong đó Ngân hàng riêng lẻ tăng 11,6%. Nhờ những sự điều chỉnh và hỗ trợ kịp thời, VPBank đã chung sức hỗ trợ giảm lãi suất cho hơn 238 nghìn khách hàng vượt qua đại dịch, dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn để chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch.
Các biện pháp tăng cường chất lượng tài sản và kiểm soát chất lượng tín dụng đã được Ngân hàng thực hiện hiệu quả: Tỷ lệ cho vay tín chấp cuối tháng 9/2021 của Ngân hàng hợp nhất là 25% (giảm từ 29% ở thời điểm cuối năm 2020). Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 02 của Ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức 1,78% tại 30/9/2021. Bên cạnh đó, VPBank cũng đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch. Chi phí dự phòng hợp nhất đến cuối tháng 9 là 13.631 tỷ đồng. Riêng trong quý III, Ngân hàng đã dành 4.979 tỷ đồng cho chi phí dự phòng, tăng 18,6% so với quý II.
Mục tiêu tăng trưởng hiệu quả và an toàn được củng cố bởi các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo và thận trọng hơn mức yêu cầu: Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tỷ lệ CAR theo Thông Tư 41 của Ngân hàng đạt 12,42%, tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược tăng trưởng bền vững của Ngân hàng.
Các hoạt động đẩy mạnh nền tảng Ngân hàng số cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME đã mang lại những kết quả đáng kể: Trong 9 tháng 2021, VPBank thu hút hơn 2,6 triệu khách hàng mới. Tổng số giao dịch qua nền tảng Ngân hàng số VPBank Neo trong 9 tháng đạt hơn 95 triệu, tăng 2,24 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tối ưu hóa chi phí vốn, duy trì biên lãi thuần và cải thiện CASA: Nhờ những thay đổi trong chiến lược tiếp cận khách hàng, tỷ lệ CASA của VPBank tiếp tục cải thiện ở mức 22,1%, tăng từ 18,8% ở thời điểm cuối quý II/2021, góp phần giảm chi phí vốn cho Ngân hàng. Giãn cách xã hội tuy ảnh hưởng đến thu nhập lãi của Ngân hàng nhưng NIM vẫn được duy trì ở mức 8.5% (hợp nhất) và 5.4% (riêng lẻ) trung bình 9 tháng năm 2021.
… Sẵn sàng hồi phục cho tương lai
Tăng vốn theo đúng lộ trình, nâng cao năng lực tài chính tạo điều kiện phục hồi cho các hoạt động kinh doanh: Ngân hàng đang trong quá trình hoàn tất phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu, đưa VPBank gia nhập nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất. Nguồn vốn chủ sở hữu của VPBank tiếp tục được cải thiện mạnh trong tháng 10 khi Ngân hàng cùng với đối tác SMBC Group của Nhật Bản chính thức hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit. Số vốn thu được từ thương vụ này cải thiện tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất của VPBank. Lượng vốn lớn có được sẽ giúp VPBank tăng cường mạnh mẽ năng lực tài chính, đảm bảo tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động, có cơ sở để đầu tư mạnh hơn vào số hóa, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh doanh khác, chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19.
Với nguồn vốn dồi dào bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng 2021 với ROE hợp nhất đạt 21,6% và ROA đạt 2.8%, VPBank tiếp tục nằm trong nhóm đầu thị trường về hiệu suất sinh lợi với tầm nhìn chiến lược táo bạo đầy tham vọng top 3 Ngân hàng giá trị nhất Việt Nam vào 2022 đồng thời cũng là Ngân hàng thân thiện nhất thông qua công nghệ.